Mua rượu bia, thuốc lá: Phải trả thêm thuế

Khách hàng lựa chọn các nhãn hàng bia nhập khẩu được bán trong siêu thị - Ảnh: Thanh Đạm 
Bia là mặt hàng mà người Việt tiêu thụ rất mạnh. Trong ảnh: nhiều thương hiệu bia có mặt ở một sạp chuyên kinh doanh mặt hàng này trên đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Bia là mặt hàng mà người Việt tiêu thụ rất mạnh. Trong ảnh: nhiều thương hiệu bia có mặt ở một sạp chuyên kinh doanh mặt hàng này trên đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Theo đó, từ ngày 1-7-2015, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 15-30% so với mức đang áp dụng. Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước.

Thuế rượu bia sẽ nâng từ 50% lên 65%

Nếu đề xuất tăng thuế như trên được áp dụng, Bộ Tài chính ước tính dự kiến số thu ngân sách từ bia năm 2016 tăng 7.800 tỉ đồng, năm 2017 tăng 9.000 tỉ đồng, năm 2018 tăng 10.300 tỉ đồng; còn đối với mặt hàng rượu sẽ thu được 389 tỉ đồng vào năm 2016, năm 2017: 447 tỉ đồng, năm 2018: 514 tỉ đồng.

 Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính lý giải việc tăng thuế hai mặt hàng này là nhằm hạn chế sử dụng. Thực tế theo thống kê, năm 2013 lượng rượu bia tiêu thụ trên cả nước là 3 tỉ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người, khiến VN trở thành “quán quân uống bia” ở khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) và đứng thứ 28 trên thế giới về lượng tiêu thụ rượu bia. Việc sử dụng quá nhiều rượu bia gây nên tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề nghị đưa mặt hàng nước ngọt có gas không cồn vào danh mục mặt hàng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%. Phân tích trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính nhấn mạnh trong nước ngọt có gas không cồn, ngoài một phần nước tinh khiết hoặc một số loại có thêm nguyên liệu tự nhiên, phần còn lại đều là chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản. Mặc dù những chất công nghiệp này có hàm lượng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép nhưng nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo một số tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hằng ngày hoặc quá mức, như gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư... Do vậy, việc định hướng tiêu dùng đối với nước ngọt có gas không cồn này là cần thiết, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thực tế, tại các nước đang áp dụng thuế suất tương đối kết hợp với thuế suất tuyệt đối với sản phẩm này như Thái Lan: 20% và 0,45 baht/440cc, Campuchia: 10%, Lào: 20%...

Bộ Tài chính cho hay theo số liệu báo cáo của các cục thuế, tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có gas, với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít. Vì vậy, việc thu thuế suất 10%, tương ứng hơn 1.200 đồng/lít, sẽ không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Dự kiến số thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.500 tỉ đồng vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỉ đồng.

Số người tử vong do hút thuốc lá ở nước ta

Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh: Q.Định
Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh: Q.Định

Thuế đánh vào thuốc lá tăng 15% so với hiện hành

Theo dự án sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB, thuế TTĐB đối với thuốc lá sẽ nâng từ 65% lên 75% từ ngày 1-7-2015 tới hết năm 2017, và sẽ nâng thêm 10% nữa từ ngày 1-1-2018. Bộ Tài chính ước tính số thu từ sắc thuế này đối với mặt hàng thuốc lá sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 2.930 tỉ đồng, năm 2017: 3.300 tỉ đồng, năm 2018: 7.700 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cho hay tỉ lệ những người hút thuốc hiện tại ở nước ta là khá cao với khoảng 15 triệu người. Đặc biệt là hàng triệu phụ nữ và trẻ em không hút thuốc bị hút khói thuốc thụ động ở những nơi làm việc, trong nhà. Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây ra 40.000 ca tử vong trong năm 2008, dự báo con số này sẽ lên tới 50.000 người năm 2023. Đây là một trong những nguyên nhân để Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá.

 Ý kiến:

* E ngại khả năng cạnh tranh

Ông Phan Đăng Tuất - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - cho rằng khi Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế TTĐB của bia lên thêm 15% so với mức hiện tại “doanh nghiệp đương nhiên sẽ phải đóng, nhưng xét về mặt thời điểm áp dụng có vẻ không thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh hết sức khốc liệt như hiện nay”.

Theo phân tích của ông Tuất, e ngại lớn nhất mà Sabeco sẽ phải đối mặt là cổ tức dành cho cổ đông bị suy giảm một khi mức thuế TTĐB tăng lên vì “doanh nghiệp còn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp”. Năm 2013, Sabeco đã nộp thuế TTĐB hơn 7.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng mức thuế mới, số tiền Sabeco phải nộp sẽ lên hơn 9.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế lẫn sau thuế cũng sẽ bị sụt giảm theo. Bị “ngắt” thêm một khoản lợi tức, tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư về khoản cổ tức đương nhiên sẽ bị mất đi, nhất là khi Sabeco vẫn đang trong quá trình hoàn tất lên sàn chứng khoán.

Chưa kể, nếu so với sức cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng lĩnh vực, “nói gì thì nói các doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị các hạn chế nhất định, nên việc cạnh tranh sẽ vô cùng khó khăn, nhất là so về tiềm lực tài chính lẫn năng lực quản trị” - ông Tuất thừa nhận.

* Lo không kiểm soát được thuốc lá lậu

Ông Trần Sơn Châu - tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba) - lo ngại về tình trạng không kiểm soát nổi thuốc lá nhập lậu hiện nay. Theo ông Châu, thống kê chưa đầy đủ mỗi năm VN nhập lậu hơn 1 tỉ bao thuốc lá, “Nhà nước thất thu ngân sách 4.000-6.000 tỉ đồng/năm cũng chỉ vì thuốc lá nhập lậu”. Việc tăng thuế “chỉ có tác dụng và sẽ không là vấn đề gì nếu Nhà nước kiểm soát được tình trạng nhập lậu thuốc lá. Tiếc thay...” - ông Châu bỏ lửng.

Nói về khả năng tăng giá bán sản phẩm, ông Châu cũng cho rằng “sẽ rất khó thực hiện, nhất là khi thu nhập của người VN so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn”.

TRẦN VŨ NGHI


Theo LÊ THANH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm