Một số địa phương đang tái phát dịch tả heo châu Phi

Chiều 5-5, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tập trung phòng, chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tái phát, lây lan diện rộng.

DTHCP bắt đầu xâm nhiễm vào nước ta từ đầu năm 2019. Đến nay, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã có 99% số xã có bệnh DTHCP qua 30 ngày không phát sinh dịch. Đặc biệt, một số địa phương đã thông báo hết bệnh DTHCP.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm một trang trại heo tại Phú Thọ vào tháng 3-2020. Ảnh: VĂN GIANG

Tuy nhiên, thời gian gần đây, báo cáo của cơ quan thú y các tỉnh cho thấy DTHCP đang tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố. Đơn cử như các địa phương Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam...

Bộ NN&PTNT lo ngại nguy cơ bệnh DTHCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nhất là khi hiện nay, điều kiện nuôi tái đàn heo, tăng đàn heo ngày càng gia tăng, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương kiểm soát tốt các ổ dịch đang xảy ra. Đồng thời chủ động phòng, chống bệnh tái phát và lây lan diện rộng.

"Các tỉnh cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh DTHCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế tối đa nguy cơ dịch tái phát" - Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh chủ động giám sát để sớm phát hiện các ổ dịch, xử lý kịp thời không để dịch lây lan rộng. 

"Các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan thì cần phải xử lý nghiêm" - Bộ NN&PTNT yêu cầu.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh thành lập đoàn công tác do lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo UBND các cấp đi kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống dịch, xử lý dứt điểm các ổ dịch chưa qua 30 ngày không để dây dưa kéo dài.

Với những địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh dịch, các tỉnh thực hiện công bố hết dịch theo quy định để người dân nắm tình hình và tổ chức tái đàn, tăng đàn.

Các tỉnh, thành cũng được yêu cầu khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm