Một số cửa hàng 'khai tử' xăng sinh học E5, chỉ bán A95

Mới đây, Công ty TNHH Một Thành Viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi đến Bộ công thương và Bộ Tài chính liên quan đến việc kinh doanh và sử dụng xăng E5.

Theo công ty Saigon Petro, thời gian qua đã có nhiều văn bản kiến nghị liên quan đến việc kinh doanh và sử dụng xăng E5 với mục đích kiến nghị các Bộ xem xét để có các chính sách phù hợp phát triển việc kinh doanh và sử dụng xăng sinh học hiện tại cũng như trong thời gian tới.

Theo nhận định của Saigon Petro, xăng E5 chưa thật sự phát triển tương xứng với yêu cầu mục đích đề ra là thay thế xăng A92 đã ngưng kinh doanh từ đầu năm 2018.

Qua tham khảo nhiều đầu mối có hệ thống phối trộn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu lớn, tỷ trọng xăng E5 ngày càng giảm, nhất là từ đầu năm 2019 trở lại đây.

Riêng Saigon Petro, tỷ trọng xăng E5 bình quân năm 2018 là 30,06% đến tháng 1-2019 là 25,58%, đến tháng 3-2019 là 19,76%. Đây là số liệu hàng tháng mà công ty đã báo cáo cho Bộ công thương và đây cũng là con số rất đáng báo động, cho thấy tỷ trọng xăng E5 có chiều hướng giảm tiếp tục trong thời gian tới.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 thấp, theo Saigon Petro do công tác tuyên truyền tác dụng của xăng E5 của nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp còn ít, chưa thường xuyên.

Thực tế nhiều người sử dụng kể cả những khu vực đô thị không quan tâm tới xăng E5 và tâm lý sử dụng xăng khoáng để yên tâm về chất lượng, an toàn.

Đặc biệt là chênh lệch giá giữa xăng A95 và xăng E5 còn thấp, dẫn đến việc người sử dụng xăng chưa quan tâm đến xăng E5, hiện chênh lệch giá bán lẻ giữa hai mặt hàng này là 1.530 đồng/lít .

Với sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp nên nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ dần dần lơ là việc giới thiệu bán xăng E5, thậm chí loại bỏ hẳn trụ bơm bán xăng E5 và chuyển sang bán xăng A95.

Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể. Trong khi các doanh nghiệp đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì quỹ bình ổn giá vẫn được đảm bảo. Điều này sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5.

Tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 trên đàn TP.HCM chiếm 30-40%.

Liên quan đến các chính sách thuế để phát triển xăng sinh học, Saigon Petro tiếp tục kiến nghị ngoài đẩy mạnh tuyên truyền và để tạo khoảng cách chênh lệch giá so với xăng A95 đủ lớn và đúng quy định về khung thuế bảo vệ môi trường, đề nghị áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng.

Cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp (500-1.000 đồng/lít), không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay. Hiện chênh lệch thuế bảo vệ môi trường chỉ 200đồng/lít. Với mục tiêu là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít. Saigon Petro cho rằng đây là biện pháp cơ bản và lâu dài nên áp dụng.

Đồng thời, thống nhất các chính sách trích, sử dụng quỹ bình ổn giá giữa xăng khoáng và xăng E5. Saigon Petro đề nghị Bộ công thương, Tài chính nên có các biện pháp cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 cũng như các thương nhân trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5 lớn.

Theo Sở công thương TP.HCM, hiện nay sản lượng tiêu thụ xăng trên địa bàn TP.HCM ổn định. Ước 5.719m3/ngày trong đó A95 là 3.660 m3 /ngày, E5 là 2.059m3/ngày. Tỷ lệ tiêu thụ xăng A95 chiếm 60-70% , E5 chiếm 30-40% tổng lượng tiêu thụ. Khoảng cách giữa xăng E5 và A95 khoảng 1.500đồng/lít. Nếu giá xăng E5 chênh lệch nhiều hơn nữa thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng E5 nhiều hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm