Một sản phẩm cơ khí chiếm 100% thị phần trong nước

“Sản phẩm làm ra phải bán được. Nếu không thì dù sản phẩm có độc đáo đến mấy vẫn vô nghĩa” - anh Kỳ Thiết Bảo, Giám đốc Công ty Thiết Bảo, khẳng định. Là kỹ sư và từng làm việc tại Công ty Cơ điện TP.HCM - một công ty nhà nước có tiếng, thế nhưng anh Bảo luôn trăn trở khi sản phẩm của các công ty tư nhân ở ngoài thì được chào đón nồng nhiệt ở trong nước, còn sản phẩm của công ty anh cứ nằm im ỉm trong kho.

Xài hàng “chợ trời”

Theo đuổi niềm đam mê cũng như mở ra một cơ hội kinh doanh mới, anh Bảo quyết định ra riêng mở công ty và tìm hướng đi mới cho những sản phẩm của mình. Thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia khoa học, anh bắt đầu chế tạo ra những chiếc máy tự động đầu tiên và đây cũng là những sản phẩm mà anh tạo được ấn tượng trong giới doanh nghiệp.

Năm 1994, sau khi chiếc máy quấn dây quạt bàn tự động do chính công ty anh chế tạo được giao cho khách hàng, anh tiếp tục cho ra hàng loạt thiết bị cơ khí khác. Dù sự việc có vẻ đơn giản nhưng ít ai biết để có được các sản phẩm độc đáo này, giám đốc Bảo đã phải mất nhiều năm lặn lội khắp các khu chợ đồ cũ để tìm hiểu, nghiên cứu cho ra những sản phẩm giá rẻ.

Một sản phẩm cơ khí chiếm 100% thị phần trong nước ảnh 1

Anh Kỳ Thiết Bảo (áo trắng sọc) đang hướng dẫn công nhân làm việc.

Khi ấy anh Bảo còn đang trong hoàn cảnh không tiền, không tài liệu kỹ thuật, linh kiện thì không có để mua. Trong khi đó, giá các sản phẩm nhập ngoại lại quá đắt. Thế là anh Bảo chọn những thứ linh kiện tốt nhất từ đồ cũ, các loại hàng Nhật, hàng Mỹ về để làm nên các sản phẩm của mình. Điều này không chỉ giúp anh tìm được lối ra do thiếu linh kiện mà còn giúp anh giảm được giá thành sản phẩm rất nhiều.

Anh Bảo cho biết thực tế các sản phẩm của anh không thua kém gì hàng ngoại. Đây là những sản phẩm cơ khí công nghệ cao nên ngay cả ở nước ngoài cũng không chế tạo hàng loạt để cạnh tranh. Vì vậy, các sản phẩm của anh không hề bị thất thế. Nếu so sánh về giá cả, máy của anh sản xuất rẻ 50%-60% so với sản phẩm ngoại. Nguyên nhân chính là giá nhân công rẻ, chi phí thiết kế rẻ, các sản phẩm được cung cấp tại chỗ ít tốn phí vận chuyển.

Hàng Việt không thua kém ai

Ban đầu chỉ là những chiếc may quấn dây quy mô nhỏ, đến nay công ty của anh Bảo đã sản xuất hàng trăm thiết bị tự động. Đồng thời, công ty đã sản xuất được hơn 30 mẫu thiết bị tự sản xuất cung cấp cho khách hàng. Những sản phẩm anh làm ra gần như chiếm 100% thị phần trong nước. Trong đó, khá nhiều doanh nghiệp lớn như điện cơ Hà Nội, điện cơ Petro, điện cơ Đồng Nai, điện cơ TP.HCM… đang sử dụng sản phẩm do công ty anh chế tạo.

Hiện có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt hàng và yêu cầu anh gia công sản phẩm. Thế nhưng anh thẳng thừng từ chối: “Thị trường kinh doanh máy cơ khí Việt Nam hiện nay quá lớn vì số lượng doanh nghiệp sản xuất ngày càng gia tăng. Thế nhưng hiện nay tôi vẫn chưa thể đáp ứng nổi số lượng đơn hàng đang ồ ạt trong nước. Muốn phát triển mở rộng thị trường ra nước ngoài thì phải đáp ứng đủ thị trường trong nước trước”.

Anh Bảo nhiều lần được tặng cúp vàng trong các hội chợ Techmart Việt Nam, từng được nhận bằng khen của UBND TP.HCM về chế tạo các thiết bị chi phí thấp. Thế nhưng theo anh Bảo, thành công hiện nay của doanh nghiệp không phải chỉ với những sản phẩm độc đáo mà thành công ở đây phải tính đến yếu tố thị trường, sản phẩm bán tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Được thế giới công nhận

Anh Bảo vừa được trao giải thưởng Nhà sáng tạo xuất sắc nhất nămcho giải pháp máy tự động quấn dây bốn trục của Tổ chức Sở hữu trí tuệ. Giải thưởng này trao tặng cho các doanh nghiệp có sử dụng sáng kiến sáng tạo, tận dụng hệ thống sở hữu trí tuệ trong chiến lược sản xuất và phát triển của mình. Thông qua mục tiêu này, WIPO giữ vai trò quan trọng trong việc quảng bá chất lượng, nâng cao thương hiệu hình ảnh của doanh nghiệp với xã hội, cũng như tạo ra sự thịnh vượng thực sự của các quốc gia.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm