Mới:Sau khi hiểu rõ, Bộ Công Thương kiến nghị cho xuất gạo nếp

Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay hôm qua 17-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký công văn gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về vấn đề xuất khẩu gạo nếp.

Thứ trưởng Khánh cũng chính là người hôm 15-4 ký công văn hỏa tốc hỏi Bộ NN&PTNT xem gạo nếp có được tính trong lượng gạo dự trữ quốc gia hay không.

Theo công văn thì ngày 15-4, Bộ Công Thương nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản của một số cơ quan hữu quan tỉnh Long An, An Giang về vấn đề xuất khẩu gạo. Ngày 17-4, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; kiến nghị của Công ty TNHH Dương Vũ để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính đề nghị cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến kiến nghị của các tỉnh Long An, An Giang và Đoàn ĐBQH An Giang.

Sau khi trình bày về tình hình sản xuất, sản lượng dự kiến và tình hình xuất khẩu lúa nếp cũng như kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Công Thương trình bày rằng: mới chỉ có Bộ NN&PTNT có ý kiến, còn Bộ Tài chính chưa có ý kiến về vấn đề xuất khẩu gạo nếp.

Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay: Bộ Tài chính hôm 15 thực ra đã dự thảo công văn trả lời. Nhưng vì vấn đề đã quá rõ nên sau đó bộ này không gửi công văn cho ý kiến như yêu cầu của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương cũng trích trả lời của Bộ NN&PTNT rằng Danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia đã được quy định tại Nghị định số 94/2013 quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ Quốc gia. Đồng thời cũng nêu rõ Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ đông xuân 2019-2020.

Trong phần kiến nghị, Bộ Công Thương cũng thừa nhận: Một số thương nhân chỉ xuất khẩu gạo nếp và Long An, An Giang cũng đánh giá “người dân trong nước chủ yếu tiêu dùng gạo tẻ, không dùng nhiều gạo nếp cho nhu cầu lương thực hằng ngày và gạo nếp hiện nay được sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu”.

Viện dẫn lại quy định hàng dự trữ chỉ bao gồm “thóc tẻ, gạo tẻ”, Bộ Công Thương diễn giải thêm: “Có nghĩa là, ngay cả trong tình huống đột xuất, cấp bách phải sử dụng tới biện pháp nêu tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 94/2013 thì thóc nếp, gạo nểp và tấm nếp cũng không thuộc diện huy động vào dự trữ quốc gia”

Từ các kiến nghị và diễn giải quy định pháp luật về dự trữ như vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp, bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp theo nhu cầu.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị không tính lượng gạo nếp xuất khẩu vào lượng hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4-2020 và thời gian tới trong trường hợp tiếp tục duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm