Mở mắt ra là cầm điện thoại thay vì... bàn chải đánh răng

Ngày 8-11, tại tọa đàm "Sự chuẩn bị sẵn sàng của các thị trường Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng về sức tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong năm năm tới", ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ví von: Từ khi mở mắt ra cái đầu tiên chúng ta cầm không phải là bàn chải đánh răng mà là điện thoại, điều này đã diễn ra từ lâu. Và dẫn đến việc năm 2015 là năm bùng nổ của thương mại điện tử (doanh số đạt 4.07 tỉ USD, tăng 37% so với năm 2016 - PV).

Đến năm 2017 tỉ lệ tăng trưởng giao dịch thương mại điện tử là 37%, đặc biệt tỉ lệ giao dịch liên quan đến ngành vận chuyển tăng 62%, cá biệt có nhiều doanh nghiệp (DN) tăng đến 200%.

Bên cạnh đó, thông tin từ cổng thanh toán quốc gia Napas cho thấy số lượng giao dịch trực tuyến liên quan đến thẻ nội địa tăng 50% và tổng lượng tiền giao dịch tăng 75%. Nhìn vào những yếu tố đó cho thấy cả thị trường Việt Nam đã sẵn sàng cho sự phát triển thương mại điện tử và tiếp tục duy trì cho đến năm 2020. Sau năm 2020 có thể tăng nhiều lần nhờ những kích cầu của các DN tham gia thị trường.

Dù đã sẵn sàng phát triển nhưng ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Express, nói một trong những trở ngại hiện tại đối với Lazada là cơ sở hạ tầng, cơ sở kỹ thuật, về công nghệ, mô hình hoạt động logistic…

Hiện nay Việt Nam đa số đi lại bằng xe máy. Ví dụ tại TP.HCM có khoảng 1 triệu xe máy và trong đó đang là shipper. Nếu thương mại điện tử tăng trưởng gấp đôi thì số lượng shipper như thế nào? Liệu người dân còn đường để đi xe hay không?

Theo ông Thịnh, đó là điều mà Lazada đặt ra trong việc sáng chế ra xe đạp điện để đi giao hàng. Với khả năng chuyên chở gấp đôi xe máy, thay vì dùng hai xe máy để giao hàng thì chỉ cần một xe đạp điện.

Nếu thay thế xe máy bằng xe đạp điện hay phương tiện nào phù hợp hơn với thương mại điện tử thì không giúp phát triển bền vững cho DN mà cho cả môi trường chung.  

Trong khi đó, ông Trịnh Anh Tuấn, chủ đầu tư sàn catch.vn, Exocomets.vn, cho rằng vài năm qua, thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng xuất hiện nhiều sàn thương mại điện tử giao dịch ảo, chất lượng dịch vụ rất kém như hàng hóa đăng bán không đúng theo như nội dung đã quảng cáo hoặc có tình trạng giao hàng thiếu, hàng kém chất lượng,…

Gây hình ảnh tiêu cực trong tâm trí người dùng khi nhìn nhận về thương mại điện tử, làm cho các DN gặp nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm trên, ông Bình cho biết niềm tin người tiêu dùng đang là rào cản rất lớn để thương mại điện tử phát triển. Mà vấn đề này một phần trách nhiệm của truyền thông.

Ví dụ khi người tiêu dùng mua một món hàng ở trung tâm điện máy, được hẹn sẽ giao hàng đúng giờ nhưng trung tâm giao hàng không đúng hẹn cũng ít nghe phản ứng. Nhưng nếu người tiêu dùng mua ở các sàn mà giao không đúng hẹn thì truyền thông la toáng lên. Khiến người tiêu dùng họ có cái nhìn thiếu thiện cảm.  

Mặt khác, về thanh toán hiện nay người tiêu dùng cũng chưa tin tưởng. Họ không muốn thanh toán trực tuyến mà chủ yếu là COD - thanh toán khi nhận hàng. Dù vấn đề này các sàn thương mại điện tử cũng đã cải thiện nhiều bằng cách kiểm soát sản phẩm, chính sách trả hàng tốt hơn… 

Ông Zhang YiXing, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết Lễ hội bán hàng giảm giá lớn nhất năm của Lazada trên khắp Đông Nam Á sẽ diễn ra vào ngày 11-11 tới. Theo đó, sẽ có 110.000 phiếu mua hàng trị giá đến 10 triệu USD, cùng 1.100 người bán gồm các thương hiệu nổi tiếng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm