Mở lối cho nhà hàng, quán ăn… hồi sinh

Từ đầu tháng 10-2021, TP.HCM cho phép dịch vụ ăn uống được mở bán mang đi. Tuy nhiên, đến nay đa số doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn đóng cửa, chưa thể quay lại thị trường.

Vì sao có tình trạng trên và làm cách nào để vực dậy ngành dịch vụ ăn uống trong bối cảnh mới? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Dominic Vũ, Chủ tịch Liên minh các DN vừa và nhỏ (SME), xung quanh vấn đề này.

Nhiều ông chủ chuyển sang bán rau, cá, thịt

. Phóng viên:TP.HCM đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hoạt động được mở cửa trở lại, trong đó có ngành dịch vụ ăn uống. Vậy sau gần nửa tháng được mở cửa, các DN trong ngành hoạt động ra sao, thưa ông?

+ Ông Dominic Vũ (ảnh): Khảo sát do chúng tôi thực hiện cho thấy đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 90% DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đóng cửa. Nhiều cơ sở vừa và nhỏ hoặc mới khởi nghiệp không thể quay lại thị trường. Hàng loạt chủ cửa hàng, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã chuyển sang các nghề khác như bán rau, thịt, cá, trái cây, tạp hóa…

Thực tế hiện chỉ mới có những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mà bản thân chủ cơ sở là chủ nhà, không tốn chi phí thuê mặt bằng hoặc những DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài mới mở cửa hoạt động.

. Theo ông, vì sao các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê… vẫn còn cân nhắc, chưa mở cửa trở lại?

+ Nguyên nhân là do các DN đều thiếu nhân sự bởi quy định giữa các tỉnh vẫn chưa rõ ràng. Mỗi địa phương có sự ứng xử khác nhau về phòng chống dịch nên mọi người muốn về quê hay trở lại TP.HCM đều lúng túng. Chẳng hạn, lao động đang ở các tỉnh như Lâm Đồng hay các địa phương miền Tây không thể quay lại TP.HCM làm việc được. Những người đã tiêm một mũi vaccine hay hai mũi vaccine lo lắng: Khi đến các địa phương khác họ có tiếp tục bị cách ly hay không; đi trên đường có bị chặn lại, có bị phạt hay không.

Quan trọng không kém là các DN thiếu nguồn vốn để tái khởi động việc kinh doanh. Dù họ đã đóng cửa bốn, năm tháng nay nhưng khi vận hành trở lại, ngoài việc phải bỏ ra nhiều chi phí, trong đó riêng tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả đầy đủ.

Đơn cử như có nhà hàng tại quận 1, TP.HCM dù đã đóng cửa khoảng năm tháng, nay vẫn phải trả gần 10 tỉ đồng tiền thuê mặt bằng. Thậm chí, có những mặt bằng ở trung tâm TP không giảm mà còn tăng cao.

. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống phản ánh rằng họ rất muốn quay lại thị trường nhưng vì quy định chỉ được bán mang đi nên nếu mở cửa sẽ không có khách. Ông bình luận gì về điều này?

+ Đúng vậy. Hiện nay, ngành dịch vụ ăn uống chỉ mới được mở he hé cho bán mang đi nên kinh doanh không hiệu quả. Ví dụ, một nhà hàng thuê mặt bằng tốn 200 triệu đồng/tháng, trong khi nhiều chi phí tăng cao nên họ cân nhắc giữa việc quay lại thị trường hay tiếp tục cửa đóng then cài.

Lưu thông chưa thông suốt thì khó khôi phục sản xuất

Tôi cho rằng điều quan trọng là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất, lưu chuyển hàng hóa thông suốt. Nhưng vậy mới gọi là sống chung với dịch. Đáng buồn là trên thực tế mỗi địa phương vẫn chống dịch một kiểu khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nguyên vật liệu vẫn thiếu nên DN khó có thể hoạt động trở lại.

Khi các DN ở TP.HCM vẫn ngừng hoạt động dẫn đến chuỗi cung ứng ở các tỉnh, thành cũng đứt gãy, kéo theo nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, cua Cà Mau bình thường giá 400.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 100.000 đồng/kg nhưng nông dân khó tiêu thụ.

Ông DOMINIC VŨChủ tịch Liên minh các DN vừa và nhỏ 

Không tận dụng được cơ hội thì rất tiếc

. Thưa ông, tình trạng người lao động kéo nhau về quê ảnh hưởng thế nào tới ngành ăn uống và làm cách nào để kéo lao động trở lại?

+ Kinh doanh dịch vụ ăn uống là một trong những ngành sử dụng lao động rất nhiều. Đơn cử, nếu phố đi bộ Bùi Viện mở cửa trở lại thì cần ít nhất 100.000 lao động.

Tôi cho rằng đối với lực lượng lao động trong ngành dịch vụ bị thất nghiệp đã về quê, TP.HCM cần tạo điều kiện thông thoáng hơn và có sự hỗ trợ thiết thực hơn để họ yên tâm quay lại làm việc.

. Ông cho rằng đâu là yếu tố quan trọng nhất để DN ngành dịch vụ ăn uống gia nhập thị trường trở lại?

+ Tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất là chính sách mở cửa cần rõ ràng, nhất quán và kiên định. Nhiều chủ DN, cơ sở kinh doanh lo lắng khi mở nhà hàng, quán ăn ra được một thời gian rồi lại phải đóng cửa. Nghĩa là rủi ro cao khiến họ e dè trở lại thị trường.

Việc quy định dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang đi khiến các DN gặp nhiều khó khăn, chưa dám mở cửa trở lại. Ảnh: TÚ UYÊN

Vì vậy, chúng tôi mong muốn TP.HCM tạo cơ chế cho DN có thể hoạt động một cách thuận lợi, ổn định. Hiện nay đã có hơn 70% người dân TP.HCM đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Hơn nữa, trong bốn, năm tháng qua, người dân không được ra đường, chưa kể người dân đã hình thành thói quen mới thích ứng an toàn với COVID-19, DN cũng áp dụng bộ tiêu chí làm thế nào kinh doanh an toàn. Thực tế, một số chuỗi pizza trong những ngày đầu mở cửa trở lại đã ghi nhận doanh số tốt hơn trước dịch vì bùng nổ nhu cầu tiêu dùng sau thời gian giãn cách quá lâu.

Vì vậy, Nhà nước hãy tạo điều kiện cho DN được hoạt động hết công suất. Đặc biệt, TP.HCM nên phát động chương trình kích cầu quy mô để người dân có cơ hội chi tiêu. Nếu chúng ta không tận dụng để cơ hội trôi qua thì rất tiếc. Không chỉ vậy, nếu không hỗ trợ kịp thời thì DN sẽ khó hồi sinh, Nhà nước sẽ thất thoát lượng chất xám này và sẽ không còn nguồn lực để phục hồi kinh tế.

. Mới đây, Liên minh SME đã kiến nghị thủ Tướng dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt để giúp cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông có thể nói rõ hơn về kiến nghị này?

+ Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ bảo lãnh cho vay cho DN vừa và nhỏ với mức 100.000 tỉ đồng. Quỹ này có nhiệm vụ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các DN và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.

Song song đó, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, TP trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách; đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh...

. Xin cám ơn ông.

Mở lối cho nhà hàng, quán ăn… hồi sinh ảnh 3
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn cửa đóng then cài.
Ảnh: TÚ UYÊN

Sợ nhất là sau khi mở cửa phải đóng trở lại

Khảo sát thực tế trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy rất nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… vẫn đóng cửa. Ông Lý Nhất Hiếu, chủ hệ thống nhà hàng Dương Quán, giải thích: Mặc dù từ ngày 1-10 vừa qua, TP.HCM cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống hoạt động nhưng chỉ được bán mang về. Với các DN mà chi phí thuê mặt bằng cả tỉ đồng mỗi tháng thì việc mở cửa kinh doanh theo hình thức này không mang lại hiệu quả nên vẫn còn đóng cửa.

“Nếu muốn bán mang về, chúng tôi phải quảng cáo trên mạng xã hội để tăng tương tác với người tiêu dùng nhưng chi phí cho việc này mất đến 30%. Hơn nữa, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí giao hàng tăng cao. Đặc biệt, hiện nay quy định về tiêu chí cho người đã tiêm vaccine được đi làm trở lại cũng chưa rõ ràng. Thời gian chờ để đủ điều kiện đi làm giữa mũi 1 và mũi 2 tùy loại vaccine mất 3-6 tuần. Điều này đồng nghĩa dù DN đã có lao động tại TP.HCM nhưng họ vẫn chưa đi làm được” - ông Hiếu nói.

Đại diện một cơ sở kinh doanh khác cho biết thêm DN rất sợ chuyện mở cửa hôm nay nhưng một thời gian sau dịch bùng phát lại phải đóng cửa.

“Chúng tôi bị ám ảnh bởi thời gian qua nhà hàng đóng, mở liên tục. Nguyên liệu đầu vào như hải sản tươi sống đã nhập vào bị tồn đọng phải tiêu hủy, thiệt hại rất lớn. Do vậy, chúng tôi mong muốn bây giờ TP cho mở cửa trở lại nhưng nếu lỡ bùng dịch thì cần có lộ trình đóng cửa chứ cứ mở rồi đóng khiến chúng tôi trở tay không kịp và sẽ không dám mạo hiểm lúc này” - vị đại diện cơ sở trên kiến nghị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm