Mở cửa khẩu Tân Thanh từ 7-20 giờ hỗ trợ xuất khẩu dưa hấu

Hàng trăm xe container và xe tải chở hàng nông sản bị ùn tắc kéo dài suốt 4 km từ cửa khẩu Tân Thanh đến ngã ba Pắc Luống ở quốc lộ 4A - Ảnh chụp ngày 5-4-2015, VĂN DUẨN
Hàng trăm xe container và xe tải chở hàng nông sản bị ùn tắc kéo dài suốt 4 km từ cửa khẩu Tân Thanh đến ngã ba Pắc Luống ở quốc lộ 4A - Ảnh chụp ngày 5-4-2015, VĂN DUẨN

Tại buổi họp báo quý 1-2015 của Bộ Tài chính tổ chức sáng nay 7-4, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết năm nay, lượng dưa hấu và thanh long xuất qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái khiến số lượng xe đổ về cửa khẩu càng nhiều.

“Mỗi ngày có 800 xe hoa quả đổ về cửa khẩu Tân Thanh nhưng chỉ có khoảng 300 đến 350 xe được phía Trung Quốc nhập khẩu khiến tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều ngày nay” - ông Thái cho biết.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết mặc dù thời gian làm thủ tục hải quan chỉ mất 1 phút để thông quan hàng nhưng khi hàng xuất qua cửa khẩu của Trung Quốc thì các thương lái phía Trung Quốc lại mất 2-3 giờ đồng hồ để bốc dỡ, sang xe, phân loại, đóng hộp... Sau khi hoàn thành các thủ tục đó mới tiếp tục chuyển vào nội địa. Do đó năng lực xử lý chỉ được khoảng 300 xe mỗi ngày.

Trong khi đó, số lượng xe đổ về quá lớn, có ngày lượng phương tiện tăng trên 1.000 xe. Do đó, các phương tiện phải đỗ tràn ra quốc lộ 1, quốc lộ 4A và trục đường dẫn vào cửa khẩu.

Mặt khác, dưa hấu là mặt hàng truyền thống chỉ giao nhận, buôn bán chủ yếu qua của khẩu Tân Thanh - Pò Chài nên doanh nghiệp không thể đưa hàng đến các cửa khẩu khác để giao nhận, buôn bán.

Trước tình trạng ùn tắc dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cơ quan Hải quan Việt Nam đã thống nhất với cơ quan chức năng phía Trung Quốc mở cửa khẩu từ 7 giờ đến 20 giờ để kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. 

Ngành Hải quan cũng thừa nhận tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân là do thương nhân Việt Nam xuất khẩu dưa hấu đều làm thủ tục hải quan xuất khẩu theo loại hình xuất khẩu biên giới (tiểu ngạch), không có hợp đồng ngoại thương, không có sự ràng buộc về yếu tố giá cả theo quy định thương mại quốc tế. Do đó, câu chuyện được mùa mất giá thường xuyên tái diễn và rủi ro đều thuộc về doanh nghiệp, tư thương, đặc biệt là người nông dân.

Ông Nguyễn Dương Thái cho rằng sang năm, có thể tình trạng ùn tắc này vẫn còn. “Về lâu dài cần nghiên cứu cách làm dài hơi để đẩy mạnh tiêu thụ ở nội địa. Mặt khác, cần phát triển ngành công nghiệp chế biến hoa quả, điều phối theo nhu cầu nhập khẩu của phía Trung Quốc chứ không nên tự phát” - ông Thái nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm