Minh bạch và trách nhiệm giải trình

Ông nói: Minh bạch và trách nhiệm giải trình là hai điều rất quan trọng với các cơ quan nhà nước. Minh bạch không có nghĩa là ai cũng được biết tất cả, và về phần mình, các cơ quan nhà nước cũng không phải cập nhật các số liệu một cách đầy đủ để công bố vì không thể làm được như thế.

Minh bạch quan trọng ở hai điểm. Nó giúp tăng khả năng tiên liệu, giảm rủi ro trong kinh doanh; và củng cố lòng tin thị trường. Một chính phủ, hay một nhà hoạch định chính sách mà phát biểu tiền hậu bất nhất thì khó tạo lòng tin được.

Trách nhiệm giải trình là để các cơ quan nhà nước nói báo chí, nhà nghiên cứu, và người dân rằng, số liệu của tôi như thế có thể còn khiếm khuyết, nhưng tôi giải thích sự (bất) hợp lý của nó.

Nhưng, các số liệu thống kê của Việt Nam thường được cung cấp rất sớm vào ngày 24 hàng tháng. Đó cũng là biểu hiện của tính minh bạch chứ?

Hệ thống thống kê của Việt Nam bị một số vấn đề. Thứ nhất là tính thiếu nhất quán giữa các số liệu; thứ hai, các số liệu không đầy đủ trong hệ thống; và thứ ba, nguy hại hơn, là cách công bố, và nhận dạng số liệu thống kê. Ví dụ, có những số liệu phải công khai, ai cũng cần biết, nhưng ở Việt Nam lại rất bập bõm, thiếu và yếu, như về tiền tệ, ngân sách, cán cân thanh toán quốc tế… Một nhà kinh tế học nước ngoài nói với tôi, với những số liệu thống kê như Việt Nam thì viết một bài luận đã khó, đừng nói đến phân tích định lượng. Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều tiến bộ.

Để phục vụ công tác dự báo, ông có tiếp cận được với những con số bên ngân hàng không?

Nói thật, tôi chỉ tiếp cận được không đầy đủ một số số liệu ước tính để phục vụ báo cáo nội bộ thôi. Những con số tôi có được không phải là tổng thể, Ví dụ, báo cáo tổng thể cung tiền tệ hàng năm thì phải có các con số tổng phương tiện thanh toán, ngoại tệ ròng, nội tệ ròng, cho vay, hay tiền gửi nội tệ ngoại tệ, kỳ hạn,… mà tôi không có được.

Tôi dùng những số liệu (ước tính) đó, cộng thêm của quỹ Tiền tệ quốc tế IMF làm dự báo.

Nhưng nếu không có con số như vậy thì ông dự báo thế nào?

Số liệu tất nhiên nói lên một phần của bức tranh kinh tế. Tôi là người làm dự báo, nhưng tôi không mê hoặc vào con số. Cách làm của chúng tôi là thiết kế các mô hình phản ánh hành vi vĩ mô của Việt Nam. Nhưng phải thú nhận là nó cũng có khiếm khuyết. Nhưng, cái quan trọng của dự báo là đề ra các kịch bản đường sau về mặt chính sách.

Theo ông, những con số như vậy có nên là mật không?

Ở các nước thì nó không mật. Ví dụ ở Úc hay Mỹ thì họ công khai các số liệu về cung ứng tiền tệ như M1 (tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn), M2 (tổng phương tiện thanh toán), M3 (trái phiếu). Phần lớn các nước họ công khai hết, chậm nhất là hai tuần thôi, vì họ coi đó là hàng hoá công.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì nhiều dấu mật, làm hạn chế minh bạch, và hạn chế thảo luận giữa các nhóm xã hội khác nhau. Nhiều khi người ta cũng lạm dụng mật để né tránh trách nhiệm.

Theo kinh nghiệm của ông, người dân có quan tâm đến các con số kinh tế vĩ mô không?

Trong hơn hai năm qua, người dân ngày càng hiểu sự quan trọng của kinh tế vĩ mô, vì họ muốn biết cách giữ giá trị tài sản do lạm phát cao. Tôi thấy, ai cũng quan tâm đến các biến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất, giá vàng,… Trong chừng mực, người dân cũng quan sát các động thái của Chính phủ, và đòi hỏi tính giải trình, tạo nên sức ép phải làm chính sách tốt hơn. Điều này trở nên rõ hơn.

Thế ông nhận xét như thế nào về những phản ứng chính sách vĩ mô gần đây?

Tôi thấy có tiến bộ. Các nhà hoạch định chính sách biết lắng nghe hơn, các bộ ngành cung cấp số liệu cũng tốt hơn, và, trong một chừng mực, họ đã minh bạch hoá chính sách tốt hơn. Nhưng những điểm yếu, như phối hợp chính sách, hay những chính sách gây tranh cãi cũng còn không ít.

Việt Nam có cần hệ thống cảnh báo sớm với những bất ổn kinh tế hay không?

Hiện nay các nhà kinh tế đang có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cảnh báo sớm là tốt để có thời gian chuẩn bị, và qua đó thì hệ thống thống kê sẽ tốt hơn. Quan điểm kia lại cho rằng, hệ thống cảnh báo sớm nhiều khi lại gây ra những bất ổn không cần thiết.

Theo tôi, điều quan trọng là các cơ quan nhà nước phải phối hợp cung cấp thông tin, cập nhật và hoàn chỉnh hệ thống chỉ số, nhất là vĩ mô. Điều đó giúp nhận dạng được hành vi thực của nền kinh tế để có phản ứng chính sách tốt hơn.

Ông dự báo như thế nào về kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn?

Nước mình hiện nay khó khăn hơn các nước khác do bị hai cú đòn (lạm phát và giảm phát) cho sản xuất kinh doanh. Năm ngoái, chúng ta phải chống lạm phát nên phải chấp nhận đánh đổi tăng trưởng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Bây giờ đã có một số cải thiện vì phản ứng chính sách tốt hơn, và vận may do giá thế giới giảm. Tuy nhiên, chúng ta chưa thoát hẳn những bất ổn kinh tế vĩ mô như cán cân thanh toán, hệ thống tài chính, lạm phát trở lại.

Cái khó nữa là phạm vi điều chỉnh chính sách không còn lớn như các nước Đông Á khác. Thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thanh toán, bài toán tỷ giá,… nghĩa là những biến vĩ mô cho thấy, không gian để chúng ta linh hoạt chính sách không còn rộng nữa.

Theo Tư Giang ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm