Máy tính - kẻ hủy diệt của nhân loại?

Sụp đổ trong chớp mắt

Có một chuyên gia nhận định rằng, thủ phạm đầu tiên gây ra vụ đó là do hệ thống kiểm soát giao dịch điện tử. Thậm chí có tờ báo còn dự đoán “Hệ thống máy tính sẽ tiếp quản và phá hủy thế giới”. Trên thực tế, từ hệ thống gửi tiền liên ngân hàng, hệ thống điều hòa nhiệt độ tổng trong các tòa nhà, hệ thống gửi hành lý sân bay, đến mạng điện quốc gia…, cuộc sống con người ngày càng phụ thuộc vào đường dây vô hình ấy, nên hễ nó xảy ra sự cố, thế giới lập tức “ngừng quay”.

Máy tính - kẻ hủy diệt của nhân loại? ảnh 1

Việc quá phụ thuộc vào máy tính có thể làm hại con người

2h42 ngày 6-5-2010, chỉ số Dow Jones đột nhiên “rơi tự do”, trong vòng chưa đầy 5 phút đã mất gần 1.000 điểm, khiến hơn 1.000 tỷ USD tạm thời bốc hơi trong nháy mắt. Khi đi sâu điều tra, không ít chuyên gia cho rằng những “thiếu sót mang tính hệ thống” của hệ thống giao dịch điện tử ở Phố Wall đã gây nên tai họa đó, tức là trong một thời gian ngắn, cổ phiếu bị kiểm soát bởi máy tính chứ không phải bộ não con người.

Tờ “New York Times” ngày 10-5 cũng nhận định vấn đề nằm ở phần mềm xử lý giao dịch, và việc sử dụng liên tục một phần mềm nào đó cũng sẽ biến những lỗi nhỏ thành to. “Voice of American” lại cho rằng, “hệ thống giao dịch điện tử có thể mua bán hàng triệu cổ phiếu trong nháy mắt, khiến các nhà đầu tư trên toàn thế giới khủng hoảng”.

Do hệ thống giao dịch đều được điện tử hóa, nên ngày nay các sàn chứng khoán trên toàn thế giới đã tiện lợi hơn nhiều, song điều đó cũng mang đến một nguy cơ mới. Hệ thống máy tính tạo thuận lợi trong giao dịch, giúpmở rộng kinh doanh, song nếu quá phụ thuộc vào nó, hễ có một biến cố hay lỗi nhỏ ngoài dự liệu, hệ thống này sẽ phóng đại ra gấp nhiều lần trong chớp mắt, truyền đến từng vị trí giao dịch và tác động lên chỉ số chứng khoán, khiến thị trường sụp đổ.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề ở hệ thống máy tính gây ra tai họa. Năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ trải ra “ngày thứ hai đen tối” với một cuộc di cư tập thể ra khỏi thị trường cổ phiếu. Hệ thống này tự đặt các ngưỡng dừng lỗ (stop loss) cho cổ phiếu và chuyển lệnh tới hệ thống DOT của sàn giao dịch chứng khoán New York. Lượng bán quá lớn được chuyển sang tức thì đã làm quá tải hệ thống máy in của DOT, làm trễ toàn hệ thống và nhà đầu tư, ở mọi cấp độ (cá nhân hay tổ chức) rơi vào tình trạng mất thông tin.

Chính vì vậy, nhiều người Mỹ bắt đầu lo lắng về việc “Máy tính kiểm soát con người”. Nhân sự kiện Phố Wall sụp đổ, một trang mạng của Mỹ đã cảnh báo: Thành tựu khoa học công nghệ vô cùng vĩ đại, song với tiền đề là nó làm việc bình thường. Trái lại, hễ xảy ra vấn đề, thế giới có thể sụp đổ trong chớp mắt.

Mạng internet - thành công hay thất bại?

Cùng với việc ngày càng nhiều chính phủ dựa vào hệ thống máy tính để quản lý một quốc gia, thế giới trở nên gần gũi hơn, song nguy cơ mất kiểm soát ngày càng cao. Trong mấy năm qua, việc hệ thống máy tính mất kiểm soát gây nên thiệt hại lớn như ở Phố Wall cũng đã xảy ra tại nhiều nước.

Ngày 27-3-2008, đúng ngày khai trương nhà ga thứ 5 của sân bay Heathrow, Anh, “lỗi hệ thống máy tính” đã gây ra ác mộng. Một lượng lớn các chuyến bay bị hủy, nhà ga trở nên hỗn loạn. Tháng 4-2007, dịch vụ mail BlackBerry ở Bắc Mỹ xuất hiện sự cố, dừng hoạt động 14 giờ, khiến chính phủ Mỹ vô cùng lo ngại. Trước đó vài năm, hệ thống máy tính bán vé xổ số tại British Columbia, Canada ngừng hoạt động. Khoảng 4.000 điểm bán lẻ vé số đã không thể làm gì, gây ra tổn thất hơn 2 triệu CND. Báo chí Mỹ thậm chí gọi mạng internet “có thể trở thành thất bại lớn nhất của loài người”.

Một chuyên gia Trung Quốc cho rằng, máy tính là vật nên không thể kiểm soát con người. Cũng như vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt lớn, song nếu con người không sử dụng, nó cũng sẽ vô hại. Tuy vậy, sự lo ngại về việc quá ỷ lại vào internet và máy tính cũng không thừa, vì khi con người càng phụ thuộc nhiều vào nó, một sự cố nhỏ cũng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề.

Theo Bảo Trâm (ANTĐ/Sohu)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm