May mặc, giày da có dấu hiệu phục hồi trở lại

Khơi thông hàng xuất khẩu

 Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Vina (gia công may mặc, vốn Hàn Quốc) phấn khởi cho biết kho hàng thời trang dồi dào sản xuất trong thời điểm dịch bùng phát đến nay đã được khơi thông. Các lô hàng đã được tiêu thụ tại thị trường châu Âu và Mỹ để kịp phục vụ gu thời trang Thu Đông.

“Đây là tín hiệu rất vui đối với anh em công nhân và công ty để vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh kéo dài thời gian qua”, ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ khơi thông đầu ra hàng hóa, ông Hùng thông tin thêm do phần lớn nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc, do vậy khi xảy ra dịch bệnh nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn. Từ đó, công ty đã chuyển hướng sang tìm nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc và nội địa để thay thế nên hiện nay chủ động trong sản xuất.

“Nói chung nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm hiện đã đảm bảo để công nhân lao động ổn định việc làm, công ty tăng thêm doanh thu để lấy đà phục hồi do khủng hoảng bởi dịch bệnh”, ông Hùng nói.

Ngành may mặc đang từng bước lấy lại đà phục hồi do thị trường châu Âu, Mỹ nhập khẩu tăng trở lại. Ảnh: QH

Theo ông Hùng, sở dĩ có đơn hàng và duy trì mạch sản xuất tốt như hiện tại có nhiều yếu tố, trong đó có các đơn hàng các nhà máy thuộc tập đoàn từ Myanmar và Indonesia về Việt Nam sản xuất.

Hiện toàn bộ các nhà máy của tập đoàn Hansae Vina đang hoạt động tại Việt Nam có khoảng 20.000 công nhân, dù trong điều kiện dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng công ty không cắt giảm lao động.

Tuyển thêm công nhân

Ngành giày da cũng ghi nhận từ hồi đầu tháng 9 bắt đầu khởi sắc trở lại, công nhân có việc làm đủ giờ hành chính, mạch nguyên liệu phục sản xuất không còn bị đứt như hồi dịch bùng phát mạnh.

Nguồn tin từ Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam- lĩnh vực sản xuất giày da (khu chế xuất Linh Trung 1, Thủ Đức, TP.HCM) cho hay dù chưa phục hồi hoàn toàn do tác động dịch bệnh nặng nề, tuy nhiên gần đây đã ghi nhận có chuyển biến trở lại trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Trong đó, nguồn nguyên liệu không còn đứt gãy như hồi làn sóng COVID-19 bùng phát. Thậm chí, công ty còn tuyển dụng thêm lao động để phục hồi sản xuất. Cùng đó, nguồn nguyên vật liệu cũng được mở rộng ra một số nước để công ty chủ động sản xuất.

Kích thích tài khóa giảm tác động với thị trường lao động

Ở những nước có đầy đủ số liệu cho quý II năm 2020, sự tương quan được thể hiện rõ ràng cho thấy gói kích thích tài khóa càng lớn bao nhiêu (tính theo % GDP) thì mức tổn thất thời giờ làm việc càng thấp bấy nhiêu. Trong giai đoạn này, bổ sung khoản kích thích tài khóa tương đương 1% GDP hàng năm trên toàn cầu sẽ giúp giảm thêm 0,8% mức tổn thất việc làm.

Để các nước đang phát triển đạt được tỷ lệ kích thích tài khóa so với tổn thất thời giờ làm việc như các nước thu nhập cao, họ sẽ cần phải bơm thêm 982 tỉ USD (45 tỉ USD ở các nước thu nhập thấp và 937 tỉ USD ở các nước thu nhập trung bình thấp). Khoảng trống trong kích thích tài khóa đối với các nước thu nhập thấp chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị các gói kích thích tài khóa mà các nước thu nhập cao công bố.

Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm