Mất 30 tiếng mới đưa được hàng từ miền Tây lên TP.HCM?

Ngày 23-4, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của ĐBSCL” với gần 200 đại diện cơ quan, hiệp hội DN và DN tham dự.

Mất 30 tiếng mới đưa được hàng từ miền Tây lên TP.HCM? ảnh 1
Hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của ĐBSCL” - Ảnh: CẨM GIANG.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2018, tổng giá trị XK Thủy Sản của VN đạt 8,79 tỉ USD, XK mặt hàng trái cây 3,81 tỉ USD, trong đó ĐBSCL là trung tâm XK chủ lực, trong đó sản phẩm gạo và thủy sản chế biến chiếm từ 75 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước.

Tuy nhiên, chi phí Logistics cho XK Thủy Sản & Trái Cây chiếm tỷ lệ khá cao vào khoảng 20-25%, kết nối hạ tầng Logistics tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập.

Hiện nay, hệ thống cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, đặc biệt là các cảng nước sâu đủ năng lực phục vụ vận chuyển container xuất khẩu. Mặt khác, ĐBSCL còn gặp khó khăn do hạ tầng giao thống: hệ thống cầu- đường- cảng thiếu tính kết nối, các cảng của TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép chưa kết nối được với nhau.

Trong khi đó chi phí vận chuyển đường bộ khá cao và có xu hướng gia tăng trong những năm qua, gồm nhiều hình thức chi phí phát sinh như chi phí bốc xếp tại cảng, tắc nghẽn giao thông đường bộ, chi phí không chính thức khác… đều tăng cao.

Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), logistisc nông sản khu vực ĐBSCL còn nhiều vướng mắc. Đó là thiếu tính kết nối giữa ĐBSCL và thị trường xuất nhập khẩu, khả năng kết nối giao thông nội vùng cũng bị hạn chế; thiếu cơ sở vật chất: thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, bãi container rỗng, hệ thống kho lạnh cho sản phẩm nông nghiệp và thủy sản ở các cảng,…

Hạ tầng giao thông kém phát triển, không đồng bộ giữa các địa phương, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, xe tải trọng lớn khó vào lấy nguồn nguồn nguyên liệu.

Ngoài ra, hoạt động logistics còn nhiều bất cập như: dịch vụ logistics chủ yếu được thực hiện bởi các công ty logistics đến từ TP Hồ Chí Minh; cước phí vận chuyển cao và không ổn định…

Đại diện ngành hàng trái cây tại hội thảo cho biết, chi phí logistics đang chiếm rất cao trong chi phí giá thành của DN, muốn kiểm định chất lượng trái cây, DN phải đưa lên TP Hồ Chí Minh, rất tốn kém. Nếu muốn xuất khẩu trái cây tươi, DN thường chọn vận chuyển đường bộ nhưng hạ tầng đường bộ cũng gây khó khăn.

Còn ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú-Hậu Giang, cho biết: “Chi phí logictics chiếm tỉ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm. Để phát triển chuỗi sản xuất chế biến tôm xuất khẩu cần rất nhiều thứ, DN mua tôm của nông dân thông qua đại lý, khâu logistics do các đại lý đang thực hiện, vận chuyển tôm từ đầm tôm về nhà máy nhưng hạ tầng giao thông khu vực nuôi tôm chậm phát triển”.

Theo ông An, ngành tôm đang cạnh tranh với Ấn Độ và Indonesia, giá tôm của Việt Nam cao hơn họ 1-2 USD/kg. DN không thể làm logistisc được do chi phí đầu tư lớn. Ngành thủy sản đi đường sông là thua vì mất nhiều thời gian, chi phí vận chuyển cao hơn đi đường bộ.

Ví dụ như để đưa hàng hóa lên TP.HCM phải mất 30 tiếng mới đến nơi; chi phí từ Cà Mau mất 11 triệu/container, từ Hậu Giang mất 7 triệu/container, chi phí một năm mất 60-70 tỉ đồng. Giá thành rất quan trọng đối với DN trong cạnh tranh.

“Chúng tôi rất mong logistics của vùng được đầu tư hoàn chỉnh để giảm bớt chi phí cho DN” – ông Chu Văn An đề nghị. 

Các đại biểu tại hội thảo cũng thống nhất ý kiến cho rằng những thách thức, khó khăn nói trên cần sớm có giải pháp tháo gỡ nếu không nông thủy sản của ĐBSCL sẽ khó vươn xa, nhất là trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu đang gay gắt như hiện nay.

Do đó phải phát triển ngành dịch vụ logistics ở Cần Thơ nói chung và xây dựng phát triển một trung tâm logistics hạng II cấp vùng ở Cần Thơ là giải pháp căn cơ để giảm chi phí cho DN xuất khẩu hàng nông thủy sản; là nhu cầu cách bách và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, cũng như chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Trong đó, vai trò của Chính phủ trong đầu tư luồng vào cảng trên sông Hậu để Cần Thơ thực sự là trung tâm logistics của ĐBSCL.

Nói như ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: “Phát triển logistics cần sự kết nối giữa các địa phương, DN, đồng thời, phát triển logistics không thể một mình Cần Thơ là có thể thực hiện được, nếu chúng ta đầu tư logistics mà không có lô hàng đến cũng không có hiệu quả”.(PLO)-Chi phí logistics đang chiếm rất cao trong chi phí giá thành của DN, muốn kiểm định chất lượng trái cây, doanh nghiệp tại miền Tây phải đưa lên TP Hồ Chí Minh rất tốn kém. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm