Mách nước bán hàng sang Mỹ sau vụ gạo ST25

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (VN). Theo Tổng cục Thống kê, riêng trong ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa từ VN đạt kim ngạch 21,2 tỉ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Mỹ vẫn còn tiềm năng nhưng để khai thác hiệu quả đòi hỏi nhà sản xuất, kinh doanh VN phải đáp ứng nhiều quy định mới.

Nước mắm của Việt Nam lọt tốp bán chạy nhất trên Amazon và được nhiều khách hàng Mỹ quan tâm. Ảnh: TU

Sẵn sàng trả giá cao hơn với sản phẩm thân thiện

Công ty Bobi Craft (chuyên thiết kế, sản xuất các sản phẩm thủ công) đang xuất khẩu nhiều vật dụng trang trí trong nhà, đồ chơi trẻ em và quà tặng cho khách hàng tại thị trường Mỹ. Để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường này, ngoài tính sáng tạo, sản phẩm của công ty còn phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn rất cao.

“Với xu hướng tiêu dùng xanh và thân thiện với môi trường, khách hàng tại Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn cho một sản phẩm làm thủ công. Đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho nhà sản xuất VN” - bà Nguyễn Trần Vân Thủy, Giám đốc điều hành Công ty Bobi Craft, nhận định.

Bà dẫn chứng giá bán lẻ sản phẩm thủ công của Bobi Craft tại Mỹ khoảng 40 USD, trong khi khách mua vào chỉ khoảng 8 USD. Đây là mức giá khá cao so với sản phẩm sản xuất bằng máy móc cùng kích cỡ với giá bán khoảng 15 USD, mua vào khoảng 2 USD. “Tuy vậy, việc cạnh tranh về giá tại Mỹ khá khốc liệt. Dù khách hàng chấp nhận trả ở mức giá cao hơn với sản phẩm làm thủ công và thân thiện môi trường nhưng nhà nhập khẩu Mỹ vẫn tìm nhà cung cấp có giá phù hợp, không quá cao hơn so với mặt bằng chung” - bà Thủy lưu ý.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hương, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hạt Điều Vàng, cho biết: Hiện nay, những sản phẩm có đầy đủ các giấy tờ như chứng nhận của Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc Mỹ (FDA), ISO, HACCP, HALAL… của công ty đang được xúc tiến đàm phán để đưa vào hệ thống siêu thị Mỹ. Bên cạnh đó, công ty đang đàm phán để đưa sản phẩm dưới thương hiệu của mình vào một số tiệm kem của nước này.

Tuy nhiên, thị trường Mỹ đòi hỏi chất lượng cao với giá bán hợp lý. Ví dụ khi công ty xuất khẩu sang Úc, họ thử sản phẩm thấy đạt chất lượng cao thì không quan tâm nhiều đến giá cả. Nhưng khi chào hàng với đối tác phía Mỹ, họ đồng ý nhưng yêu cầu phải có giá cạnh tranh mới mua.

“Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá cước phí tàu biển tăng, cộng thêm giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến việc đưa hàng sang Mỹ gặp không ít khó khăn. Ví dụ cước tàu tăng gấp đôi so với trước đây, lên mức 1.300-2.500 USD/container” - bà Hương lưu ý.

Một số nhà xuất khẩu VN cũng cho hay phương thức thanh toán của nhiều công ty Mỹ thay đổi trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, phía đối tác Mỹ thường yêu cầu công nợ dài ngày khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn về vốn lưu động. Số lượng đặt hàng càng lớn thì vốn bị đọng càng cao.

Trong bối cảnh trên, nếu các nhà sản xuất, kinh doanh VN được Chính phủ, ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp hơn và chấp nhận thế chấp hợp đồng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho xuất khẩu qua thị trường Mỹ.

Chậm chân sẽ mất ngay thương hiệu

Theo luật sư Ken Dương, Phó Chủ tịch pháp lý Duong Global, với những công ty Việt làm việc với công ty Mỹ mà luôn lệ thuộc vào hợp đồng do họ soạn sẵn sẽ chịu thiệt thòi nhất định. Do đó, nhà xuất khẩu Việt nên mời công ty luật soạn hợp đồng phân phối chuẩn. Bên cạnh đó, nhà xuất khẩu phải biết tiếng Anh cũng như hiểu biết một phần luật Mỹ để có thể bán hàng vào thị trường này.

Đối với mặt hàng nông sản, thủy sản VN, nếu có các chứng chỉ như HALAL, HACCP, USDA, Organic… thì giá trị sẽ tăng nhiều khi bán vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu các công ty VN nghiên cứu sâu, định hướng rõ ràng sẽ tiếp cận dễ dàng vì thị trường Mỹ rất rộng lớn. “Phải dành thời gian phân tích để hiểu biết thị trường, lên chiến lược trước khi bán vào thị trường Mỹ. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để bán hàng thành công ở Mỹ” - ông Ken Dương nhấn mạnh.

Đặc biệt, chia sẻ kinh nghiệm về hàng nông sản Việt khi xuất khẩu sang Mỹ cũng như các thị trường lớn từ sau vụ gạo ST25 bị nhiều công ty đăng ký trước, ông Ken Dương cho biết: Nhiều công ty ở Mỹ có chiến lược lấy nhãn hiệu của sản phẩm trước khi công ty sản xuất ra sản phẩm đó có mặt ở thị trường này.

 “Chúng ta có suy nghĩ nếu chưa bán vào Mỹ thì chưa cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường này. Đây là suy nghĩ chưa đúng” - ông Ken Dương nhấn mạnh và dẫn ví dụ, khi có lúa ST25 cần nghĩ ngay đến việc đăng ký để không ai khác có thể lấy được. Đây là chiến lược về sở hữu trí tuệ và cũng là bài học cho các công ty VN.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng có một điểm đặc biệt mà nhà xuất khẩu cần lưu ý là không cần có công ty ở Mỹ vẫn có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được. Một công ty luật của Mỹ, có văn phòng ở VN có quyền đại diện cho khách hàng ở VN đăng ký nhãn hiệu.

“Thái Lan thực hiện chiến lược này tốt. Có khi họ mua gạo VN rồi cho vào bao bì mang nhãn hiệu Thái, xuất khẩu qua Mỹ bán với giá cao. Điều này cho thấy giá trị thương hiệu, nhãn hiệu cực kỳ quan trọng, trong khi việc xây dựng được một thương hiệu mất nhiều thời gian” - ông Ken Dương dẫn chứng.

Nhầm lẫn nghiêm trọng của nhà xuất khẩu

Bà Nguyễn Bá Thiên Thư, đại diện Công ty Registrar Corp - chuyên tư vấn pháp lý về quy định của Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc Mỹ (FDA) cho các doanh nghiệp Việt, nhấn mạnh: “Chúng tôi thường gặp các nhầm lẫn nghiêm trọng của nhà xuất khẩu với các quy định của FDA. Riêng với quy định ghi nhãn, lỗi thường thấy nhất của nhà xuất khẩu là… bắt chước cách ghi nhãn của những sản phẩm tương tự đã có mặt trên thị trường Mỹ.

Trong khi đó, chưa chắc những nhãn sản phẩm này đã đúng theo yêu cầu của FDA. Mặt khác, lỗi ghi nhãn là một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm và các doanh nghiệp bị đưa vào danh sách cảnh báo nhập khẩu của FDA”.

Cũng theo bà Thư, để có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì ngoài việc phải vượt qua được những rào cản về pháp lý, đối với công ty thực phẩm còn cần phải đăng ký số FDA dành cho cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, hoặc nơi lưu trữ sản phẩm. Với quy định này, nhà xuất khẩu cần chỉ định một đại diện tại Mỹ thích hợp để FDA liên lạc. Thêm nữa, bao bì nhãn sản phẩm cần đáp ứng theo quy định ghi nhãn thực phẩm mới của cơ quan này.

“Việc thực hiện theo quy định ghi nhãn mới là vấn đề quan trọng đối với tất cả công ty muốn tiếp thị sản phẩm thực phẩm đến thị trường Mỹ. FDA kiểm soát các nhãn sản phẩm theo quy định mới, không có trường hợp ngoại lệ” - bà Thư chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm