Lý do giá nông sản ở miền quê rẻ, ở TP.HCM đắt

Nhiều chủ nông trại ở khu vực Đông Nam bộ cho biết heo, gà… đang ùn ứ, không thể xuất chuồng dẫn đến giá rớt thê thảm. Trong khi đó, giá những mặt hàng này bán lẻ ở các chợ, siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM vẫn cao ngất ngưởng.

Nông dân thua lỗ, thịt bán lẻ vẫn đắt đỏ

Theo ghi nhận của PV, giá thịt heo bán lẻ tại siêu thị, chợ ở TP.HCM hiện vẫn giữ mức cao. Ví dụ hiện giá các loại thịt nạc đùi, vai, mông 130.000-150.000 đồng/kg, ba rọi 180.000-190.000 đồng/kg… Ngược lại, giá heo hơi tại các trang trại chăn nuôi ở các tỉnh Đông Nam bộ rất rẻ.

Ông Trần Đức Vinh Quang, chủ trại heo ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết từ khi TP.HCM đóng cửa tất cả chợ đầu mối, nhiều chốt kiểm tra chống dịch quá khắt khe khiến giá heo hơi lao dốc, heo đến tuổi xuất chuồng ứ đầy trại không bán được.

“Giá heo hơi bán tại trại giờ chỉ còn 52.000-53.000 đồng/kg. Với giá thành nuôi heo hiện nay ở mức 60.000 đồng/kg thì mỗi con heo người nuôi lỗ 700.000-800.000 đồng/kg” - ông Quang tính toán. Không chỉ vậy, theo ông Quang, các thương lái lo ngại dịch bệnh, cộng thêm các chốt kiểm tra khó khăn khiến lượng tiêu thụ giảm, heo ế ẩm.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Hậu, chủ trại heo Tám Do (Long An), thông tin người nuôi heo đang gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng lên, trong khi đầu ra heo hơi bán tại trại thì liên tục giảm. Thế nhưng giá thịt heo bán lẻ vẫn cao.

“Nếu không có giải pháp về vận chuyển lưu thông đầu ra cho các trại heo thì người dân tiếp tục lỗ nặng. Họ sẽ không dám mua con giống, thức ăn để nuôi lứa mới nữa, khi đó thị trường lại khan hiếm” - ông Hậu lo ngại.

Gà nuôi cũng chung cảnh ngộ khi giá thịt gà công nghiệp bán lẻ tại các siêu thị, chợ truyền thống TP.HCM vẫn cao. Giá đùi tỏi gà hiện lên tới 90.000-100.000 đồng/kg, cánh gà 85.000-100.000 đồng/kg, ức gà 90.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá gà công nghiệp tại các trang trại lại ở mức rất thấp.

Ông Lê Văn Quyết, chủ trại gà ở huyện Long Thành (Đồng Nai), cho biết giá gà công nghiệp bán tại trang trại chỉ ở mức 11.000 đồng/kg, rẻ hơn cả rau, thậm chí còn rơi vào cảnh ế ẩm, gà đến lúc xuất bán mà không có ai hỏi mua. Nếu tạm tính mỗi lứa gà bán ra khoảng 20.000 con thì trang trại đã lỗ hơn 300 triệu đồng.

Theo ông Quyết, nguyên nhân một phần do xe vận chuyển đi qua một số chốt kiểm tra dịch bệnh ở các địa phương vẫn khó khăn vì áp dụng các quy định cứng nhắc. “Có khi xe đi bắt gà thì lực lượng kiểm soát ở chốt không cho qua vì lý do xe không chở gì, xe chở con giống về trại nuôi cũng lấy lý do không chở hàng thiết yếu nên không cho qua… Do vậy, có ngày trang trại chỉ tiêu thụ được 1/3 lượng gà trong trại. Đó cũng là lý do giá gà ở trại rẻ bèo, còn ở chợ TP.HCM thì cao ngất” - ông Quyết nói.

Giá nhiều mặt hàng nông sản bán lẻ tại TP.HCM vẫn cao trong khi ở vùng nông thôn lại rẻ và ứ đọng. Ảnh: QH 

Cần tổ chức lại nhà máy giết mổ, chợ đầu mối

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, đánh giá dịch COVID-19 đã làm lộ ra nhiều điểm yếu của ngành nông nghiệp trong khâu tổ chức từ sản xuất đến tiêu thụ.

“Dù đã có các chuỗi nông sản từ trang trại đến bàn ăn nhưng khi dịch bùng phát thì đứt gãy hết, khâu vận chuyển vẫn chủ yếu phụ thuộc thương lái. Ngoài ra, do nhà máy giết mổ, chợ đầu mối nằm ở TP.HCM nên khi dịch xảy ra, TP đóng cửa các nhà máy và các chợ đầu mối thì chuỗi cung ứng thịt gặp khó khăn” - ông Ngọc nêu bất cập.

Ông Ngọc cho rằng giải pháp hiện nay để giải cứu heo thịt, gà thịt, rau củ… cho người nông dân và đảm bảo nguồn cung thịt, đưa giá bán lẻ về mức hợp lý cho người dân TP.HCM cũng như các địa phương lân cận thì cần xem xét mở lại chợ đầu mối. Bên cạnh đó, các nhà máy giết mổ cần tuân thủ các điều kiện phòng chống dịch, tiêm vaccine đầy đủ cho các đối tượng trong chuỗi cung ứng này.

Về lâu dài, ông Ngọc góp ý mỗi địa phương cần xây dựng một nhà máy giết mổ công nghiệp ngay tại vùng chăn nuôi. Như vậy, heo sau khi giết mổ cho vào xe đông lạnh chở lên TP.HCM và phân phối ngay tới các chợ, siêu thị, cửa hàng tiêu thụ, giảm được nhiều khâu trung gian.

“Làm như vậy, tránh được việc chở heo sống qua các tỉnh, giảm tải cho chợ đầu mối, các nhà máy giết mổ ở TP.HCM. Đồng thời giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thịt tới người tiêu dùng, quan trọng khi xảy ra dịch bệnh như hiện nay thì nguồn cung thịt không bị ảnh hưởng” - ông Ngọc nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cũng cho rằng hiện nay nguồn cung chăn nuôi ngày càng phình to, trong khi nhà máy giết mổ chỉ tập trung tại TP.HCM. Vì vậy cần xây dựng nhà máy giết mổ, kho lạnh ngay tại vùng nguyên liệu ở mỗi tỉnh, chuyển thịt đều bằng xe lạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Xe heo sống chở từ các tỉnh về TP.HCM để giết mổ vừa tốn chi phí vận chuyển lẫn chi phí xử lý môi trường cho TP, dẫn đến giá bán lẻ đội lên” - ông Bình nhận định.

Rau Đà Lạt về TP.HCM bán giá gấp ba, bốn lần

Bà Nguyễn Thu Huệ, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), cho biết giá rau củ có tại vườn mấy ngày gần đây có nhích lên nhưng không đáng kể. Các loại rau lá như cải ngọt, cải mầm, cải thìa cũng chỉ dao động ở mức 10.000-11.000 đồng/kg. Rau sống (xà lách) loại trồng nhà kính khoảng 10.000 đồng/kg, còn trồng vườn ở ngoài trời cũng chỉ 6.000 đồng/kg.

Nếu so với mức giá tại vườn thì giá rau củ tại siêu thị TP.HCM hiện nay cũng cao gấp ba lần. Ví dụ giá các loại rau cải xanh, cải ngọt ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, bầu bí 35.000-40.000 đồng/kg… Giá bán lẻ tại các chợ truyền thống, cửa hàng còn cao hơn, thậm chí cao gấp 4-5 lần so với giá tại vườn.

“Do dịch bệnh, chi phí vận chuyển tăng lên, chi phí xét nghiệm tăng nên giá rau củ tới người tiêu dùng cũng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, bán ở siêu thị, chợ tại TP.HCM mà tăng gấp 3-4 thậm chí cao gấp nhiều lần thì cần xem lại” - bà Huệ chia sẻ.

Đề nghị mở lại ba chợ đầu mối để giải cứu nông sản

Tổ công tác đặc biệt (Bộ NN&PTNT) ngày 21-7 đã đề nghị UBND TP.HCM phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu của TP. Bởi ba chợ đầu mối chưa thể hoạt động trở lại nên việc cung cấp hàng hóa cho TP vẫn đang khó khăn.

Cơ quan này cũng kiến nghị Thủ tướng bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm