Lượng xe nhập khẩu giảm thê thảm

Sau khi Thông tư 20 về quản lý xe nhập khẩu của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 26-6, lượng xe nhập khẩu bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tăng cao, tỉ giá biến động càng khiến thị trường xe nhập khẩu đi xuống.

Chuyển sang kinh doanh xe nội

Theo Tổng cục Thống kê, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tháng 8-2011 chỉ đạt 3.000 chiếc, tương đương giá trị là 79 triệu USD. Như vậy, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tháng vừa qua đã chính thức chạm bằng mức thấp nhất của năm 2010 (mức 3.000 chiếc được thiết lập vào tháng 2-2010). Đà tụt giảm này bắt đầu từ thời điểm sau khi Thông tư 20 có hiệu lực vào cuối tháng 6-2011. Trong tháng 7, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm 45,8% xuống còn 3.958 chiếc.

Thế nhưng theo một số dự báo, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng cuối cùng của quý III nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, tức thấp hơn mốc 3.000 chiếc. Theo một số phân tích, ngoài Thông tư 20, các vấn đề khác như lãi suất, tỉ giá vẫn tiếp tục chi phối DN.

Tình hình lượng xe nhập khẩu giảm, dẫn đến thị trường xe có nhiều biến động lớn. Theo khảo sát tại một số điểm kinh doanh xe nhập khẩu, đa số các DN đã chuyển sang kinh doanh xe trong nước hoặc bán xe cũ vì không còn xe nhập để bán hoặc do mức giá quá cao nên DN không dám nhận hàng. Một vài DN chấp nhận đóng cửa chờ chính sách.

Lượng xe nhập khẩu giảm thê thảm ảnh 1

Thị trường xe ô tô có nhiều biến động vì chính sách và lãi suất. Ảnh: BÁ HUY

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Đại Đô Thành, nhắm thấy không còn đường “gỡ”, nhiều DN đành chấp nhận chọn quay sang bán xe trong nước vì hiện tại không thể cạnh tranh với các DN nhập khẩu chính thức. Còn theo ông Nguyễn Đăng Quang, quản lý trang web choxe.net, thị trường xe nhập khẩu hiện nay khá ảm đạm và tình trạng này sẽ còn kéo dài qua năm sau.

Xe cũ nhập giá mắc như xe mới

Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Chi nhánh Anycar - DN chuyên kinh doanh xe cũ ở Hà Nội, cho biết do các vấn đề về chính sách, thị trường xe nhập khẩu thực sự đã đóng băng. Không chỉ xe nhập mới, mà các dòng xe cũ cũng không còn “cửa” vào Việt Nam. “Hiện chúng tôi chỉ thực hiện các giao dịch xe cũ trong nước, chứ không nhập xe cũ từ nước ngoài. Thị trường xe cũ vốn là một thị trường tiềm năng nhưng mức giá nhập về quá cao khiến DN phải chùng tay” - ông Trường chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Quang cho biết có khá nhiều nguyên nhân khiến lượng xe giảm. Hiện mức vay ngân hàng chiếm 60%-70% là vốn vay thế chấp. Với mức lãi suất như hiện nay thì không DN nào chịu nổi. Nếu tăng giá bán thì chắc chắn sẽ rất khó bán, còn giữ nguyên giá thì từ huề vốn tới lỗ.

Cũng theo ông Quang, thị trường bắt đầu có sự xáo trộn đáng kể. Các dòng xe nhập tăng lên cao ngất ngưởng, nhiều dòng xe nhập tăng lên đến mức hơn 10%-25% so với giá bán trước đó. Không chỉ xe mới, các dòng xe cũ cũng đội giá mạnh. Có xe cũ giá chỉ khoảng 25.000 USD mà bây giờ đã đội giá lên gần 56.000 USD, gần bằng với xe mới.

“Với mức giá quá cao, lợi thế về mặt giá cả đang thuộc về các loại xe trong nước” - ông Nguyễn Đăng Quang nhận xét.

Đi cùng với sự xuống dốc của các dòng xe ngoại nhập thì các dòng xe sản xuất trong nước có vẻ phát triển tốt trở lại sau thời điểm giảm sút. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 9-2011, sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 10.031 xe, tăng 10% so với tháng 9-2010. Trong đó, xe con, xe đa dụng tăng lần lượt là 51%, 1%; xe thương mại giảm 12%. Sản lượng bán hàng lũy kế tính đến hết tháng 9-2011 đạt 80.678 xe, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thuế nhập khẩu xe từ ASEAN sẽ giảm 70%

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo thông tư về việc ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012-2014. Theo biểu thuế ban hành kèm thông tư (gọi tắt là ATIGA), thuế suất của hầu hết các loại ô tô chở người nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN sẽ giảm xuống mức 70% vào năm 2012, sau đó giảm xuống 60% vào năm 2013 và còn 50% vào năm 2014.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm