Luật đã mới thì tư duy đừng cũ

Luật Doanh nghiệp (DN) mới có hiệu lực từ ngày 1-7 đã “cởi trói” cho DN và họ cần phải làm quen với việc này. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi tư duy quản lý.

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), đã trao đổi như thế với
Pháp Luật TP.HCM.

Luật đã mới thì tư duy đừng cũ ảnh 1

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp

. Phóng viên: Thưa ông, sự “cởi trói” của Luật DN mới cụ thể là gì?

+ Ông Phan Đức Hiếu: Một nguyên tắc quan trọng là quy định “chỉ được kinh doanh những ngành nghề ghi trên giấy chứng nhận đăng ký DN” (GCNĐKDN) đã được bãi bỏ và thay thế bằng quy định “được kinh doanh những ngành nghề mà luật không cấm”. GCNĐKDN không còn ghi các thông tin về ngành nghề kinh doanh; thay vào đó những thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN chỉ là sự thống kê đơn thuần.

Những thay đổi này của Luật DN sẽ giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý, giảm chi phí giao dịch, tăng tính an toàn, chủ động, sáng tạo cho DN trong kinh doanh. Qua đó giúp DN phát huy hết tiềm năng, cơ hội kinh doanh. Ngoài ra còn có nhiều thay đổi khác như DN tự quyết định về dấu, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Luật DN.

. Điều này có nghĩa Luật DN 2014 đã trao quyền nhiều hơn cho các DN, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước không còn ôm đồm như trước nữa, thưa ông?

+ Nguyên tắc quản lý nhà nước theo tinh thần Luật DN 2014 là: Nhà nước chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát DN nhằm mục tiêu lớn nhất hỗ trợ các DN tuân thủ đúng pháp luật. Nhà nước chỉ là một bên trong giám sát DN, lực lượng giám sát còn lại là các bên có liên quan trực tiếp như cổ đông, bạn hàng, khách hàng…

Vai trò của Nhà nước được nhấn mạnh đến việc tạo thuận lợi hơn để các bên có liên quan theo dõi, giám sát lẫn nhau bằng cách sẽ thu thập và cung cấp đầy đủ, kịp thời và dễ dàng các thông tin có giá trị pháp lý về tình hình hoạt động của DN.

Luật DN mới được cho là giúp DN phát huy hết tiềm năng, cơ hội kinh doanh nhưng nhiều DN vẫn còn lúng túng trước luật này. Trong ảnh: Làm thủ tục ĐKKD tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD

Thay đổi tư duy

. Thực tế các DN còn rất lúng túng với Luật DN mới và những lo lắng về tính đồng bộ của pháp luật vẫn chưa làm cho cộng đồng DN yên tâm thực hiện những quy định tiến bộ trên, thưa ông?

+ Tôi chia sẻ với lo ngại này của cộng đồng DN. Nhưng tôi không lo lắng nhiều về phía cộng đồng DN, bởi lẽ vì lợi ích của mình, các DN sẽ tích cực tìm hiểu Luật DN mới để bảo vệ lợi ích của mình và kinh doanh đúng theo pháp luật.

Điều tôi lo lắng lại thuộc về phía các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Bởi để thực hiện cải cách của Luật DN lần này đòi hỏi có sự nhận thức đầy đủ về tinh thần cải cách của luật từ các cơ quan quản lý nhà nước đối với DN.

Chẳng hạn, việc xử phạt hành chính đối với DN vì không kinh doanh đúng với ngành nghề ghi trên GCNĐKDN sẽ trái với Luật DN vì nguyên tắc “DN được kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm”; hoặc yêu cầu nộp bản sao công chứng GCNĐKDN sẽ gây khó khăn cho DN vì giấy này sẽ có thể được cấp dưới dạng bản điện tử.

Vì thế, tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải nắm vững những nội dung cải cách, thay đổi tư duy quản lý và rà soát thay đổi những quy định có liên quan cho phù hợp với tinh thần của Luật DN 2014.

. Nhưng những lo lắng của cộng đồng DN là có thật và còn nhiều vấn đề mà họ vẫn băn khoăn. Chẳng hạn như vấn đề về con dấu?

+ Những lo lắng của DN là điều dễ hiểu. Hàng chục năm qua DN đã quen với việc “pháp luật bảo làm gì thì làm nấy”. Hiện nay, Luật DN “cởi trói” cho phép DN làm những gì “pháp luật không cấm” thì DN cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng.

Bỏ thói quen “làm theo những gì luật cho phép” đúng là rất khó nhưng các DN cần phải quen với việc được “cởi trói”, tích cực và chủ động hơn trong xây dựng những nguyên tắc quản trị nội bộ tốt cho đơn vị của mình.

Còn về con dấu, rõ ràng Luật DN mới đã trao toàn quyền quyết định cho DN. Điều đó cũng có nghĩa là họ toàn quyền quyết định có hay không có con dấu, nếu có con dấu thì toàn quyền quyết định sử dụng hay không sử dụng trong các giao dịch của mình. Cải cách về con dấu trong Luật DN lần này tuy chưa thể gọi là cải cách 100% nhưng đã đạt tới 90%.

Con dấu theo tinh thần Luật DN 2014 đã không còn giá trị như nó vốn có mà chỉ đơn thuần là một biểu tượng, một dấu hiệu bổ sung cho hình ảnh của DN. Họ không cần phải xin phép khắc dấu, con dấu không còn thuộc quyền quản lý của cơ quan công an… DN chỉ cần thông báo mẫu dấu khi sử dụng. Đây không phải là thủ tục xin phép mà chỉ đơn thuần là việc công khai mẫu dấu.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, tinh thần tiến bộ này có áp dụng được đầy đủ và trở thành động lực thúc đẩy DN phát triển hay không đòi hỏi sự thay đổi tư duy quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước, cũng như việc bổ sung, thay đổi những quy định liên quan cho phù hợp với Luật DN 2014.

. Xin cám ơn ông.

Luật đã rất chi tiết

Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN 2014 vẫn chưa được ban hành. Theo ông Hiếu, lý do vì Luật DN 2014 đã quy định rất chi tiết những gì liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN. Nghị định khi ra đời cũng chỉ quy định chi tiết một số ít điều khoản có liên quan như DN xã hội, con dấu, sở hữu chéo đối với công ty mẹ, công ty con…

“Các DN cứ thực hiện theo Luật DN mới, không cần phải chờ nghị định” - ông Hiếu khẳng định.

Họ đã nói

Tôi mong muốn sự dũng cảm của các DN thực hiện Luật DN 2014 theo nguyên tắc được làm những gì mà luật không cấm trở thành một sức ép khiến các cơ quan nhà nước liên quan phải thay đổi tư duy quản lý, vì lợi ích chung của cộng đồng DN và của đất nước.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm