Lúa bội thu, đề nghị cho xuất khẩu gạo trở lại

Ngày 27-3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh, TP khu vực Nam bộ nhằm sớm có những định hướng chỉ đạo, điều hành sản xuất, đảm bảo thắng lợi cho hai vụ lúa còn lại trong năm 2020.

Thắng lớn vụ đông xuân 2020

Năm 2019-2020 được đánh giá là năm có diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong nhiều năm qua, vượt cả năm mặn lịch sử 2015-2016. Nhiều người lo ngại với sự khắc nghiệt của thời tiết như vậy thì sản xuất lúa gạo của Việt Nam khó tránh khỏi thiệt hại nặng nề.

Thế nhưng bằng sự chủ động, chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương nên vụ lúa đông xuân 2020 đã giành được thắng lợi lớn.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh không giấu nổi niềm vui: “Chúng ta rất vui mừng vụ lúa đông xuân đã giành được thắng lợi. Riêng tại các tỉnh ĐBSCL, năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng hơn 2 tạ/ha. Đây là một kỳ tích”.

Ông Doanh cho biết dù hạn mặn khốc liệt, diện tích gieo trồng tuy có giảm nhưng vẫn đảm bảo được sản lượng chung cho cả vùng Nam bộ là hơn 11 triệu tấn lúa. Trong đó, ĐBSCL là 10,7 triệu tấn, Đông Nam bộ gần 0,5 triệu tấn.

“Năm nay, diện tích lúa thơm đặc sản tăng rất cao, đáp ứng đa dạng thị trường. Về chi phí sản xuất của người dân đã giảm, sâu bệnh giảm do quản lý tốt hơn. Lợi nhuận cho bà con sản xuất lúa gạo cao hơn” - Thứ trưởng Doanh nói.

Chia sẻ về kết quả sản xuất lúa đông xuân tại Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Mặc dù vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn nhưng nhờ triển khai tốt các giải pháp ứng phó, nông dân đã có một vụ đông xuân được mùa, được giá. Để có được thành quả này, Kiên Giang đã xây dựng 195 đập ngăn mặn để bảo vệ lúa.

Theo thống kê, diện tích lúa đông xuân của tỉnh Kiên Giang đạt gần 290.000 ha, vượt 743 ha so với kế hoạch đặt ra. Đến nay, Kiên Giang đã thu hoạch được 93% diện tích, năng suất bình quân 7,24 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 1,9 triệu tấn.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cũng cho biết dù tình hình hạn, mặn năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng hơn năm mặn lịch sử 2016 nhưng vụ đông xuân của tỉnh Long An vẫn đạt được nhiều thắng lợi. Năng suất lúa khá cao, đạt 60,4 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ đông xuân 2018-2019.

“Năng suất lúa cao nên dù vụ đông xuân năm nay diện tích gieo trồng giảm hơn 4.000 ha nhưng sản lượng chung chỉ giảm 10.000 tấn. Đặc biệt, giá lúa ổn định giúp nông dân có lãi trên 30%” - ông Truyền thông tin.

Nguồn cung gạo trong nước vẫn dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ảnh: GIA TUỆ

Tranh thủ xuất khẩu khi có điều kiện thuận lợi

Ngoài Long An, Kiên Giang, nhiều tỉnh ở ĐBSCL như An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang... cũng cho biết trong vụ đông xuân 2020 vừa trúng mùa vừa được giá cao hiếm có tại ĐBSCL trong nhiều năm qua. “Với sự thắng lợi của vụ đông xuân 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang chống đỡ trong thời gian dịch COVID-19 mà vẫn đảm bảo sản xuất tốt, sản lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho hay bộ có chủ trương điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa một cách linh hoạt trong vụ hè thu 2020. Qua đó nhằm đảm bảo mục tiêu về tổng sản lượng lương thực cho cả năm, đồng thời tranh thủ được cơ hội xuất khẩu khi có điều kiện thuận lợi.

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu lúa gạo đang được người dân đặc biệt quan tâm hiện nay, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: Sau khi có quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo thì giá lúa trong dân đã giảm hơn trước 300-500 đồng/kg.

“Do đó, nếu tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Giá thấp, người dân sẽ không xuống giống vụ thu đông nữa” - ông Nhịn lo ngại.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cũng cho biết qua trao đổi với các doanh nghiệp được biết hiện tồn kho vào khoảng 300.000 tấn. Trong đó, các hợp đồng đã ký cần xuất khẩu từ nay đến tháng 7-2020 trên 200.000 tấn. Do đó, chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

“Nếu dừng xuất khẩu sẽ thiệt hại lớn. Vì vậy, tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu, xin ý kiến Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại, đặc biệt là đối với các hợp đồng đã ký trước ngày 24-3” - ông Truyền nói.

Rất khó làm ăn tiếp với đối tác nước ngoài

Hiện nay, nguồn cung gạo vẫn đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu và cung cấp thị trường nội địa của DN. Việc tạm ngưng xuất khẩu gạo quá gấp khiến chúng tôi trở tay không kịp.

Ngoài ra, việc đột ngột ngưng xuất khẩu còn ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của khách hàng vào các DN Việt Nam. Muốn ngưng xuất khẩu cũng phải có lộ trình để chúng tôi chuẩn bị, có thời gian thương thảo với khách hàng giãn tiến độ. Chứ đùng một cái muốn ngưng là ngưng liền khiến các đối tác nhập khẩu nước ngoài phản hồi là họ mất niềm tin vào cách làm việc của DN Việt Nam. Nếu sau này tiếp tục xuất khẩu trở lại, chúng tôi cũng rất khó làm ăn tiếp với họ.

Ông ĐINH MINH TÂM, Phó Giám đốc Công ty Gạo Cỏ May

Xuất khẩu có quota không có gì phải lo

Lượng gạo trong kho các DN còn nhiều và chúng tôi đã báo cáo điều này với Bộ Công Thương. Ngoài ra, lượng gạo trong dân chưa bán cho DN còn khoảng 50% nữa nên nguồn cung gạo rất lớn. Thử hỏi giờ không xuất khẩu được, DN không mua thì lúa nông dân bán cho ai?

Xuất khẩu có kiểm soát về số lượng thì vẫn đảm bảo an ninh lương thực, không có gì đáng lo ngại. Các số liệu về lúa gạo đều được báo cáo đầy đủ từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương… cho Chính phủ. Vì vậy, nếu thấy xuất khẩu vượt kế hoạch 6 triệu tấn thì ngưng, không cho xuất khẩu nữa.

Mặt khác, chỉ cần quy định DN muốn xuất khẩu gạo báo cáo với VFA. Hiệp hội sẽ tổng hợp số liệu, nếu vượt quá quota số lượng gạo xuất khẩu cho phép thì thông báo DN ngưng xuất lại. Như vậy sẽ có lợi nhiều bề.

Nhiều ý kiến lo ngại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tăng đột biến nhưng dịch cũng không thể làm tăng nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước lên được. Ví dụ, một gia đình trước đây ăn 5 kg/tuần, giờ tích trữ họ có thể tăng mua lên 20 kg nhưng cũng chỉ có thể ăn 5 kg/tuần chứ không tăng lên. Nghĩa là giờ họ mua tích trữ một lần và tháng sau họ không phải mua nữa.

Nếu không cho xuất khẩu thì các nước có nhu cầu sẽ mua gạo Thái Lan và nhiều nước khác để tích trữ, khi họ tích trữ xong rồi thì Việt Nam bán cho ai? Hơn nữa, gạo xuất khẩu lại chủ yếu là gạo nếp, gạo đồ, gạo thơm thì bán trong nước ai mua.

Ông ĐỖ HÀ NAMPhó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)

QUANG HUY 

Việt Nam có thể xuất 6,7 triệu tấn gạo trong năm nay

Bộ NN&PTNT khẳng định tổng sản lượng lúa cả nước năm 2020 khoảng 43,5 triệu tấn. Con số này không những đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn đảm bảo lượng xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Bộ NN&PTNT nhận định nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ. Do đó, bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông lên khoảng 800.000 ha nếu có thể.

Thái Lan muốn xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo

Bangkok Post dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết các đơn hàng nước ngoài đang đổ về dồn dập vì người tiêu dùng thế giới đang chạy đua tích trữ đủ các loại thực phẩm do lo sợ COVID-19.

Ông cũng cho hay Thái Lan đang gặp nạn hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua khiến lượng gạo giảm 1,5-2 triệu tấn trong năm nay. Tại thị trường nội địa Thái, giá gạo cũng liên tục tăng 20%-30% so với đầu năm do hạn mặn và nhu cầu tích trữ.

“Dù người tiêu dùng lao vào mua tích trữ nhưng Thái Lan không thiếu gạo. Năm nay, Thái Lan dự kiến xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo” - ông nhấn mạnh.

PHƯƠNG MINH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm