Loay hoay tìm "thuốc" trị bệnh giá sữa

Ngay sau khi đưa ra đề xuất, Bộ Tài chính đã bác ngay ý kiến này. Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, việc áp dụng khung giá trần cho mặt hàng sữa dường như không thể thực hiện được. Bởi sữa có hàng ngàn sản phẩm, nhãn hàng, hơn nữa chúng ta lại nhập khẩu đến 72% tổng thị phần thì việc áp khung giá trần là khó khả thi.

Người tiêu dùng và dư luận đang cần biện pháp mạnh tay của Bộ Tài chính về quản lý giá sữa. Hồi cuối tháng 8 vừa qua, ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết đến cuối tháng 9 sẽ có biện pháp quản lý giá sữa. Nhưng đến tháng 9, các giải pháp để quản mặt hàng này vẫn đang được bộ này nghiên cứu một cách thận trọng. Đến tháng 10, thay vì ra văn bản quản lý riêng mặt hàng sữa, Bộ Tài chính xoay hướng là sẽ sửa đổi Thông tư 104 (2004) về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa. Tuy nhiên, đến nay đã sang nửa cuối tháng 11, sau hơn bốn tháng ra tay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá, cho biết dự thảo thông tư mới đang được trình lãnh đạo Bộ. Dự kiến cuối tháng 11, thông tư mới sẽ được ban hành.

Ông Tuấn cũng cho biết quy định mới sẽ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa đăng ký các yếu tố cấu thành giá như giá nhập khẩu, các loại thuế, chi phí quảng cáo... Khi chúng ta kiểm soát được giá đầu vào thì chắc chắn không có chuyện có doanh nghiệp chi phí 57% giá thành sản phẩm cho quảng cáo, hay giá sữa tăng bất hợp lý như thời gian qua.

Không biết đến khi nào thì Bộ Tài chính mới đưa ra toa thuốc trị được bệnh giá sữa tăng quá cao. Nhưng đến nay biện pháp trị bệnh giá sữa chưa có, đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan quản lý giá.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm