Loay hoay tìm dòng ôtô chiến lược

Sáng 8-10, tại hội thảo về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ôtô đã thảo luận để tìm ra dòng xe ôtô chiến lược.

Nhiều ý kiến cho rằng xe phải ăn ít nhiên liệu, nhỏ gọn và giá khoảng 150 triệu đồng là phù hợp với túi tiền người dân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại nếu chính sách thuế đối với ôtô còn bất ổn như hiện nay thì các nhà sản xuất trong nước sẽ bỏ sản xuất mà chỉ nhập khẩu xe về bán.

Ôtô chỉ 150 triệu đồng/chiếc

Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết Bộ Công thương đang khẩn trương hoàn tất để trình Chính phủ đề án phát triển dòng xe ôtô chiến lược của Việt Nam. Vì theo cam kết với các nước ASEAN, đến năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sẽ chỉ còn 0%. Chắc chắn ngành công nghiệp ôtô trong nước khó có thể tồn tại khi phân khúc thị trường ôtô của chúng ta phân tán với 24 mẫu xe như hiện nay. Do đó, ngay từ bây giờ, ngành sản xuất ôtô cần phải xác định được dòng xe chiến lược mà dồn sức tập trung cho nó.

Theo ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ôtô Trường Hải, dòng xe chiến lược nên chọn xe năm chỗ, dung tích máy dưới 1.5 L. Bởi dòng xe này phù hợp di chuyển trong nội thành, ít tiêu hao nhiên liệu, chiếm ít diện tích. Bên cạnh đó, dòng xe đa dụng 6-9 chỗ, dung tích máy 2.0 L cũng là dòng xe chiến lược. Dòng xe này phù hợp với gia đình và công sở, giá thành phù hợp, chở được nhiều người và ít tiêu hao nhiên liệu.

Đồng tình với những tiêu chí khi xây dựng dòng xe chiến lược, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - ông Bùi Ngọc Huyên cho rằng dòng xe chiến lược cần phải thay thế được xe nhập khẩu. Tiêu chí ít tiêu hao nhiên liệu cần được đặt lên hàng đầu. Do đó, dòng xe có dung tích nhỏ dưới 1.0 L là phù hợp. “Những chiếc xe nhỏ gọn, giá hơn 150 triệu đồng/chiếc chắc chắn sẽ cải thiện rất nhiều cuộc sống của người dân” - ông Huyên nhận định.

Tuy nhiên, ông Akito Tachibana, Tổng Giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam, lại cho rằng nên tập trung vào dòng xe 6-9 chỗ vì chúng ta nên sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Chính sách thuế luôn bất ổn

Ông Huyên cho rằng dòng xe được chú trọng phát triển phải ổn định trong khoảng 10 năm. Còn theo ông Dương, nhà nước cần phải có những chính sách ổn định và tập trung để hướng doanh nghiệp sản xuất dòng xe chiến lược của quốc gia, đặc biệt có các chính sách ưu đãi như thuế, công nghệ, mặt bằng...

Ông Dương đề xuất cụ thể: “Về thuế tiêu thụ đặc biệt, nên giảm thuế suất các dòng xe 1-5 chỗ ngồi: dung tích nhỏ như từ 1.5 L nên hạ xuống mức 35% thay vì 45% như hiện hành; còn đối với những xe 4.0 L trở lên thì tăng lên 70% thay vì mức 60% như hiện nay. Chính sách thuế cần được điều chỉnh và thực hiện ngay trong năm 2010. Nếu không điều chỉnh, năm 2018 đang rất gần khi mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc còn 0%”.

“Xu thế sử dụng ôtô đang dần bùng nổ. Nếu chính sách thuế không nhất quán, thách thức này không được giải quyết thì các doanh nghiệp sẽ chỉ muốn nhập xe về bán chứ không sản xuất nữa” - ông Dương nói.

PGS Nguyễn Đức Phú, chuyên gia về ôtô, nhận định chính sách thuế đối với ôtô vừa qua bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này thể hiện ở chỗ giá ôtô ở Việt Nam luôn cao hơn so với các nước. Chỉ trong 16 tháng từ 1-2007 đến 4-2009, chính sách thuế thay đổi đến sáu lần. Thực tế chính sách thuế nhập khẩu đã có tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng. Mỗi khi điều chỉnh thuế, người dân đổ đi mua xe. Chính vì thế thị trường ôtô Việt Nam luôn luôn trong tình trạng sốt.

Hơn nữa, ông Phú nói thêm, chính sách thuế không nhất quán nên ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam không khuyến khích được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. So sánh với Thái Lan sẽ thấy rõ điều đó. Sau 15 năm, Ford chỉ rót vào Việt Nam khoảng 10 triệu USD trong khi nhà đầu tư này rót vào Thái Lan 500 triệu USD. Hay Toyota cũng vậy, đầu tư vào Việt Nam chỉ 22 triệu USD trong khi tập trung vào Thái Lan khoảng 500 triệu USD.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm