Loay hoay tìm điểm nhấn cho du lịch sinh thái

Ngày 21-4, hội thảo “Vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch miệt vườn” tổ chức trong tuần lễ Festival trái cây Tiền Giang lần I. Ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bến Tre, nhìn nhận điểm hạn chế của các khu du lịch là hệ thống đường giao thông, điểm du lịch còn gập ghềnh, nạn chung chi hoa hồng cho hướng dẫn...

Không thể… na ná nhau

Năm 2010, Bộ NN&PTNT dự báo diện tích cây ăn trái toàn vùng ĐBSCL sẽ đạt con số 300.000 ha với khoảng 3 triệu tấn sản phẩm. Vườn cây ăn trái đã đóng góp một vai trò khá lớn cho du lịch. Khách đến với miệt vườn cốt để tìm sinh cảnh, môi trường trong lành, thưởng thức trái cây cùng những món ngon như mật ong, cá, tôm…

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tiền Giang, cho biết từ rất lâu du lịch Tiền Giang là điểm dừng chân của du khách quốc tế lẫn nội địa đông nhất so với các tỉnh ĐBSCL. Do nối tour từ TP.HCM đến Mỹ Tho, khách có thể đi về trong ngày. Bây giờ có đường cao tốc thì còn cơ động hơn nhiều. Đến Tiền Giang, khách chọn cù lao Thới Sơn, thăm các di tích như đình, chùa, thăm khu bảo tồn rắn Đồng Tâm.

Loay hoay tìm điểm nhấn cho du lịch sinh thái ảnh 1

Đi tham quan vườn cây ăn trái cũng là một thú vui. Ảnh: T.PHÚC

Trong khi đó, tỉnh Bến Tre nằm kề cận cũng khai thác du lịch kiểu tương tự. Nhiều du khách đi liên tiếp hai tour Bến Tre, Tiền Giang đã nhận xét: “Cấu trúc na ná nhau”. Giống từ khâu di chuyển bằng du thuyền trên sông, bơi xuồng trong kênh rạch, ghé nhà dân thưởng thức bánh kẹo, tìm hiểu nghề truyền thống, nghe đờn ca tài tử, tát ao bắt cá tôm, hái trái cây… Thời gian gần đây nhiều công ty du lịch còn kết nối với nhà vườn, tổ chức tour homestay (loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân) nhưng chưa phát triển mạnh và còn nhiều mặt hạn chế.

Các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ tận dụng thế mạnh sông nước, miệt vườn cây trái mở nhiều khu du lịch thu hút du khách không thua kém Tiền Giang, Bến Tre. Song những nơi này qua một khoảng thời gian dài khai thác đã phải đắn đo suy nghĩ, tìm cách sáng tạo thêm những điểm nhấn để níu chân du khách. Đa số khách đi tour sinh thái của các tỉnh chỉ đến một lần rồi “một đi không trở lại”. Thay vào đó, du khách sẵn sàng chọn, khám phá những tour du lịch xa hơn, đắt tiền hơn để tận hưởng những tiện nghi phục vụ cao cấp, bài bản hơn.

Cần đầu tư về chiều sâu

Để tạo điều kiện củng cố và phát triển các điểm du lịch gắn với vườn cây ăn trái, các hãng lữ hành nên tham gia đầu tư với hộ dân khai thác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Một thực tế hiện nay là mạnh ai nấy khai thác, không quan tâm đến khâu đầu tư. Kết quả là hàng loạt điểm du lịch xuống cấp. Do vậy cần liên kết hình thành nên khu du lịch tham quan miệt vườn, sinh cảnh đồng quê, khu vui chơi giải trí để cả cộng đồng cùng hưởng lợi. Cũng vậy, cần khuyến khích nhà vườn có vốn, có kinh nghiệm trồng cây ăn trái, thiết kế cảnh quan vườn sạch đẹp, thâm canh cây ăn trái tốt, có sản phẩm trái cây phục vụ quanh năm.

Một số tham luận của những đơn vị làm công tác đào tạo du lịch đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư nguồn nhân lực. Năng lực, trình độ giao tiếp và cung cách ứng xử của đội ngũ làm du lịch đang được xem là lỗ hổng lớn của mạng lưới du lịch ĐBSCL. Một trong ba yếu tố quan trọng để phát triển du lịch đó là tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

Trong chuỗi các hoạt động của Festival trái cây Tiền Giang, lễ hội chợ nổi Cái Bè khai mạc từ tối 20-4 đến 22-4. Ngoài các hoạt động mua bán trái cây, đờn ca cổ còn có tour du lịch trên sông, đưa du khách đến với miệt vườn cây trái…

Tồn tại hơn 100 năm qua, trung bình mỗi ngày khu chợ nổi này có hàng trăm ghe xuồng lớn nhỏ chở các sản vật hội tụ về đây mua bán. Khách du lịch đến với chợ nổi Cái Bè luôn tăng. Riêng năm 2009 có 112.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm