Lo khách không mua, nhà vườn khuyến mãi hoa tết

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bủa vây khi tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, các địa phương đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa rất tốt. Lượng hàng dồi dào nhưng tại một số địa phương sức mua lại giảm.

Hàng hóa dồi dào, không sốt giá

Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho hay các doanh nghiệp phân phối dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa sẽ tăng nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều. Giá các mặt hàng này được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, đơn vị quản lý, vận hành chuỗi siêu thị GO!/Big C trên toàn quốc, cho biết hiện nay toàn bộ kho hàng của đơn vị ở miền Bắc và miền Nam đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, cả hàng tươi và hàng đông lạnh.

“Vì tính chất đáp ứng nhu cầu dịp tết, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều hàng hóa, lượng hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đến 300% so với tháng thường. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu được người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt dịch COVID-19 trước đây như gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… chúng tôi luôn luôn có đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng” - bà Vân nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, cũng thông tin để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho dịp tết Nguyên đán trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, địa phương này đã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa theo cấp độ 5, cấp độ cao nhất với lượng hàng hóa dự trữ đủ cung ứng trong ba tháng. Tổng giá trị nguồn hàng được chuẩn bị hơn 6.500 tỉ đồng.

“Chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho từng nhà phân phối, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đảm bảo việc cung cấp hàng hóa cho từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời làm việc với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc về kế hoạch cung ứng nguồn hàng, đảm bảo nguồn hàng cho tỉnh Quảng Ninh. Mở rộng các điểm bán hàng, tăng cường truyền thông, khuyến khích người dân mua sắm online để tránh lây lan dịch bệnh” - bà Hiền chia sẻ.

Còn tại Hải Dương, tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết của tỉnh đạt trên 1.000 tỉ đồng, duy trì luân chuyển liên tục. Nguồn cung nhóm hàng thực phẩm tươi sống dồi dào, không chỉ sẵn sàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh mà còn cung ứng phục vụ thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, tổng đàn heo khoảng 350.000 con, đàn gia cầm 15,5 triệu con, trứng các loại gần 400.000 quả, thủy sản nước ngọt các loại gần 88.000 tấn...

Tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... nguồn cung hàng hóa phục vụ tết cũng rất dồi dào, phong phú.

Hàng nông sản, rau củ quả… rất phong phú nhưng sức mua yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: AN HIỀN

Đủ hàng trong mọi tình huống

Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho hay để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới; tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, TP có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội.

“Trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân” - Bộ Công Thương nhấn mạnh. 

Khách vắng, người bán sợ lỗ

Trong khi hàng hóa dồi dào thì do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua tại một số địa phương lại đang giảm mạnh. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Văn Đô, Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai (Hà Nội), cho biết kể từ khi Hà Nội xuất hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, sức mua giảm đến 30% so với thời điểm trước dịch.

“Rau, củ, hàng hóa rất nhiều nhưng không có người mua nên cũng giảm giá mạnh. Chỉ riêng mặt hàng thịt heo giá vẫn đang ở mức cao” - ông Đô chia sẻ.

Lý giải cho tình trạng trên, Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân có tâm lý e ngại đi chợ. Hơn nữa các trường học cho học sinh nghỉ tết sớm, bếp ăn tại các cụm công nghiệp, nhà hàng cũng giảm số lượng nhập thực phẩm nên hàng hóa ế ẩm.

Không chỉ vậy, ghi nhận quanh các chợ hoa, cây cảnh ở Hà Nội cho thấy lượng khách không nhộn nhịp như mọi năm. Đặc biệt tại các điểm bán đào, quất… rất vắng người dân ghé thăm.

Một thương lái bán đào tại chợ Vạn Phúc (Hà Đông) buồn rầu chia sẻ: Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây đào ra hoa rất đẹp, thế nhưng dịch COVID-19 bùng phát nên lượng khách giảm mạnh đột ngột. Để thu hút khách, nhiều nhà vườn phải lên các chương trình khuyến mãi, giảm giá 20%-30%, mong thu hồi vốn.

“Nếu cứ tình trạng mua bán ảm đạm như thế này thì nhà vườn của tôi cầm chắc lỗ vốn hơn 150 triệu đồng. Dịch bệnh mà phức tạp thêm nữa, Nhà nước yêu cầu giãn cách hoặc cấm bán thì con số thiệt hại còn lớn hơn nữa” - thương lái này lo lắng.

Nhiều người bán hàng khác cũng có tâm trạng tương tự: Lo không bán được hoa, cây cảnh và nông sản trong những ngày cận tết.

Khẩn cấp giúp dân tiêu thụ nông sản mùa tết

Không chỉ lên kế hoạch đảm bảo nguồn hàng phục vụ tết, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành rà soát các sản phẩm nông sản của người dân đã đến kỳ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch nên không tiêu thụ được, đặc biệt là tại các khu vực bị phong tỏa.

Qua rà soát, toàn tỉnh đang có khoảng 3.000 tấn ngao hai cùi, ngao hoa và hơn 4.500 tấn hàu Thái Bình Dương; 3.000 tấn hàu cửa sông tập trung chủ yếu tại huyện Vân Đồn, Hải Hà và thị xã Quảng Yên; 180.000 quả trứng gà lông màu/ngày tại thị xã Quảng Yên... đang khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, thông tin: “Trong ngày 31-1, chúng tôi đã làm việc với các nhà phân phối, hỗ trợ tiêu thụ được 20 tấn khoai tây giúp bà con ở vùng dịch Đông Triều. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp, liên hệ để tiêu thụ giúp bà con những sản phẩm nông sản còn lại” - bà Hiền thông tin.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm