Latvia và cái gật đầu miễn cưỡng

Nhân viên siêu thị ở thủ đô Riga bắt đầu làm quen với tiền giấy euro từ ngày 1-1 - Ảnh: Reuters

Đất nước bé nhỏ với 2 triệu dân này đã chính thức trở thành thành viên thứ 18 và cũng là thành viên nghèo nhất của khu vực đồng tiền chung euro.

Kinh tế tốt nhưng...

Năm năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính làm nền kinh tế từng thuộc Liên Xô cũ suy giảm tới 20%, Riga được cứu bằng gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kèm theo các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt. Chính sách ấy đã kịp cứu vãn kinh tế nhưng phần lớn người dân không hoàn toàn mãn nguyện.

Nền kinh tế Latvia suy giảm tới 25% trong giai đoạn 2008-2010, nhưng trong mấy năm gần đây là nước phát triển nhanh nhất EU với tốc độ 5,6% trong năm 2012 sau khi chính phủ thực hiện một trong những chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng thuế hà khắc nhất. Những người ra chính sách của EU rất hài lòng vì coi đây là trường hợp điển hình chính sách hà khắc có hiệu quả.

Vì lẽ đó, hôm 1-1 chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso nói đầy vẻ tự hào: “Nhờ những nỗ lực này, Latvia sẽ bước vào khu vực đồng tiền chung euro mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Với khối euro, Latvia gia nhập là tín hiệu le lói hiếm hoi khi vô vàn nghi vấn về sự tồn tại của đồng euro đã được đặt ra trong năm 2013 sau những gì xảy ra ở Hi Lạp, Cyprus, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Nhưng đó cũng là điều khiến người dân Latvia lưỡng lự. Latvia có tỉ lệ nợ công là 40% GDP, thấp hơn nhiều so với các “quả bom di động” khác trong EU. Theo các nhà kinh tế, người dân Latvia sợ mất phần nào chủ quyền và phải có trách nhiệm gánh các nền kinh tế khác nếu khủng hoảng xảy ra. Câu chuyện Estonia, nước mới gia nhập khu vực đồng tiền chung euro năm 2011, đã ngay lập tức được kêu gọi chung tay cứu Cyprus là bài học vẫn còn nguyên.

Muốn thoát bóng Nga

Kinh tế khởi sắc nhưng người dân cũng thật sự mệt mỏi với các chính sách tiết kiệm, việc cắt giảm nhân viên hay việc giảm lương tới 28% của giáo viên, cảnh sát. Nhiều thanh niên và người trẻ - những người được đào tạo bài bản nhất - đã trốn chạy khỏi Latvia mấy năm qua và để lại đằng sau một xã hội già nua. Chỉ 20% trong số đó có kế hoạch trở lại Latvia. Dân số nước này đã giảm tới 7% kể từ năm 2007 tới nay.

Một cuộc thăm dò của SKDS hồi tháng 11-2013 cho thấy chỉ 20% dân số nước này ủng hộ việc gia nhập đồng euro trong khi có đến 58% dân số phản đối. Vì lẽ đó, Chính phủ Latvia quyết định tham gia bằng cách không trưng cầu ý dân. Chính vì vậy giới quan sát cho rằng việc Latvia bước vào EU chỉ là cái gật đầu miễn cưỡng.

Nhưng sự phản kháng ở Latvia không nhiều. Như nhiều nước Đông Âu cũ, họ muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Matxcơva. Bộ trưởng tài chính Andris Vilks thừa nhận gia nhập đồng euro là chính sách bảo hiểm cho Latvia. Còn giáo sư Ivars I_jabs của ĐH Riga nhận định: “Chiếc bóng của nước Nga là yếu tố quan trọng nhất trong chính trị Latvia”. Giới lãnh đạo Latvia đang cố hội nhập càng sâu càng tốt vào hệ thống kinh tế của EU với hi vọng giảm ảnh hưởng từ Nga.

Nhưng những lo lắng vẫn tiềm ẩn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo lượng tiền lớn từ nước ngoài (chủ yếu từ Nga) là yếu tố rủi ro (y như kịch bản Cyprus). Ngoài ra, Latvia gia nhập khu vực đồng euro mà không có một chính phủ lâu dài (chính phủ cũ vừa từ chức vì vụ sập mái một siêu thị hồi tháng 12-2013 làm 54 người thiệt mạng).

Nhưng một nghịch lý là Latvia đang dần trở thành mô hình như một thiên đường thuế mới và là trung tâm ngân hàng cho các quỹ của nước Nga. Đồng tiền chạy trốn từ Cyprus đang đổ về Latvia. Và trên một nghĩa nào đó, Latvia đang trở thành một Cyprus mới, theo nhận định của ông Marco Giuli của ĐH châu Âu ở Bruges (Bỉ).

Theo THANH TUẤN (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm