Làm sao để 26.000 tỉ nhanh chóng đến tay người đang cần?

 Trao đổi với PLO về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, các doanh nghiệp góp ý: bên cạnh cắt giảm các điều kiện thủ tục thì cần quy định rõ các phương thức hỗ trợ trực tiếp qua doanh nghiệp hay qua chính quyền địa phương... Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng lúc này rất cần những chính sách hỗ trợ cần thiết để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, trả lương cho người lao động, vực dậy nền kinh tế. 
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA):
 Cần khoanh nợ vay cho doanh nghiệp
Các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp, người lao động rất ít doanh nghiệp tiếp cận. Chỉ có mỗi gói hỗ trợ tài khoá giãn thời gian nộp thuế thì doanh nghiệp tiếp cận được.
Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng mới được công bố được Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết thủ tục, điều kiện sẽ đơn giản hơn, thế nhưng khâu tổ chức thực hiện thực tế mới quan trọng.
Phương thức hỗ trợ trực tiếp người lao động sẽ qua doanh nghiệp hay ở địa phương, người lao động cần phải liên hệ với đơn vị nào, thủ tục ra sao để họ tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA nói "Cần sự đồng hành của ngân hàng khoanh nợ cũ cho doanh nghiệp, chứ còn tiếp tục thu lãi thì doanh nghiệp chỉ có chết". 

Hai gói hỗ trợ về an sinh, tài khoá rất cần nhưng cần thiết nhất lúc này để hỗ trợ doanh nghiệp là gói hỗ trợ về nguồn tiền, dòng tiền mà chính phủ. Bởi vì dòng tiền là “dòng máu” của doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ tài khoá giảm, giãn nộp thuế chỉ giúp bớt khó khăn phần nào thanh khoản nguồn tiền của doanh nghiệp. Nhất là thời điểm dịch, doanh thu giảm, số thuế nộp cũng giảm, không đáng kể.
Gói hỗ trợ về dòng tiền sẽ giúp doanh nghiệp được cho vay “bơm máu”, tái cấu trúc lại các khoản vay. Vì hiện nay có những khoản vay cũ của doanh nghiệp đáng lẽ hoàn toàn phục vụ sản xuất để có dòng tiền trả nợ vay bình thường, nhưng do đại dịch nên hiện này trở thành nợ xấu, rủi ro.
Câu chuyện ở đây là doanh nghiệp không có đầu vào vẫn phải trả lãi. Vì vậy, cần sự đồng hành của ngân hàng khoanh nợ cũ cho doanh nghiệp, chứ còn tiếp tục thu lãi thì doanh nghiệp chỉ có chết.
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất luôn, bằng những phương án sản xuất cụ thể. Ví dụ, hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào, ngân hàng sẽ cùng mua với doanh nghiệp, quản lý được nguồn nguyên liệu, thu được dòng tiền về.
Đợt dịch các lần trước, có khó khăn nhưng giá cả ổn định, còn năm nay khi dịch lần thứ 4 bùng phát thì khó khăn tăng gấp bội vì giá nguyên liệu đầu vào tăng từ nguyên liệu như sắt thép, xăng dầu… Vì vậy, cần làm sao tất cả các loại phí nhà nước đang quản lý thì cần giảm cho doanh nghiệp như phí hạ tầng, phí đường bộ…
Nhà nước cần giãn thời gian thu phí BOT cho các nhà thầu như 10 năm thì lên 15 năm để giảm hoặc hoãn thu phí BOT trong thời điểm dịch COVID-19 đang ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt:
 Cần gói vay 0% lãi suất để DN trả lương người lao động
Doanh nghiệp du lịch đang chết lâm sàng. Từ lúc bùng dịch, các doanh nghiệp du lịch thay đổi, điều chỉnh kế hoạch ứng phó liên tục với hàng loạt biện pháp chống đỡ. Hàng chục ngàn doanh nghiệp trả giấy phép, giải thể. Hàng trăm ngàn lao động chuyển nghề hoặc làm bất cứ việc gì có thu nhập mà pháp luật không cấm.
Số doanh nghiệp còn lại, sau khi tinh gọn bộ máy triệt để đang lây lất từng ngày, càng đuối sức theo thời gian dù đã làm thêm đủ việc để có thêm thu nhập.
Các gói hỗ trợ trước đây, doanh nghiệp chỉ nghe nói chứ không nhận được hỗ trợ. Lý do là các gói hỗ trợ đưa ra nhưng thủ tục điều kiện để đáp ứng thi lại quá rắc rối, mất thời gian, hỗ trợ quá chậm nên doanh nghiệp du lịch gần như không mặn mà.
Ngoài ra, có nhiều đề xuất hỗ trợ không cần, không đúng đối tượng. Ví dụ kiến nghị vụn vặt thiếu thực tế không cần thiết đối với doanh nghiệp thời điểm này như miễn lệ phí thẻ hướng dẫn viên không đáng kể; du lịch bất động, nhân sự nghỉ việc thì hỗ trợ đào tạo làm gì?
Hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch cần tập trung theo thứ tự ưu tiên và dựa vào báo cáo tài chính năm 2019. Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động là hết sức cần thiết nhưng phải đảm bảo sự công bằng trên cơ sở nghĩa vụ với nhà nước.

Làm sao để 26.000 tỉ nhanh chóng đến tay người đang cần? ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Mỹ, CEO Lửa Việt cho rằng nên có chính sách giãn thời gian đóng lãi suất các khoản đã vay cho doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ ngành du lịch cần tập trung vào 4 giải pháp. Thứ nhất, ngân hàng chính sách cho vay không lãi suất 6 tháng để hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động cầm cự trả lương căn bản cho người lao động bám trụ thực tế. Cần đơn giản hóa thủ tục để giải ngân nhanh nhất.
Thứ hai, giãn thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp và người lao động đang làm việc thực tế đến hết năm 2021 sẽ bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Thứ ba, các ngân hàng giãn thời gian đóng lãi suất các khoản đã vay đầu tư của doanh nghiệp đến hết năm 2021 hoặc 3 tháng, gia hạn cho đến khi doanh nghiệp hoạt động bình thường mới. Thứ tư, xác định du lịch là một trong những ngành nghề ưu tiên tiêm chủng vắc-xin để đón khách khi bớt dịch.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimex - LA): 
Miễn giảm, giãn nộp các loại phí thiết thực

"Cần miễn phí hoặc tính vào bảo hiểm y tế  đối với phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động" - ông Nguyễn Đức Thanh, CEO Tanimex-LA góp ý. 

Các gói hỗ trợ trước đây gần như doanh nghiệp không tiếp cận được, chỉ hỗ trợ được phần giãn nộp thuế nhưng không đáng kể. Mong muốn lúc này của doanh nghiệp vẫn là nhà nước hỗ trợ cho người lao động được tiêm vắc xin, doanh nghiệp ổn định được sản xuất. Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng mới cần phải làm sao thủ tục, điều kiện đơn giản cho người lao động được hỗ trợ trực tiếp.
Thứ hai, phải cứu những doanh nghiệp đang khó khăn làm ăn không có lãi. Những khoản nợ quá hạn thì nên khoanh lại, cho doanh nghiệp gia hạn, đừng tăng lãi cho doanh nghiệp.
Thứ ba, nhà nước cần giảm, giãn nộp phí thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất, phục vụ xuất khẩu như giãn thời gian đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…
Thực tế hơn là phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động, vì hiện nay doanh nghiệp đang phải tự trả phí này cho lao động mà không được tính vào bảo hiểm y tế. Đáng lẽ, nhà nước cần hỗ trợ phí này cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm