Làm ra đồng nào 'xào' đồng ấy, lấy gì phát triển?

Hiện nay ngành ngân hàng đang bước vào mùa đại hội cổ đông. Cổ đông cũng như các nhà đầu tư đều đang chờ đợi được chia cổ tức. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt như những năm trước mà thay vào đó là cổ phiếu.

Không chỉ vậy, một trong những vấn đề được các cổ đông quan tâm là vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục can thiệp việc chia cổ tức của các ngân hàng thương mại? Việc ấn định tỉ lệ và mức chia cổ tức của NHNN ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của cổ đông?...

Tiếp tục bị kiểm soát

Tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, lãnh đạo Ngân hàng ACB đã trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, lý giải: “ACB là một trong 10 ngân hàng thí điểm áp dụng chuẩn mực hệ số an toàn vốn (CAR) đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2-2017. Với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỉ lệ an toàn vốn hiện hành, thay vì chia tỉ lệ cổ tức tiền mặt, chúng tôi đã đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành trái phiếu để tăng vốn điều lệ. Chúng tôi cũng đã trình lên NHNN tỉ lệ chia cổ tức là 10% bằng cổ phiếu và đã được chấp thuận”.

Để cải thiện hệ số CAR, hình thức trả cổ tức cổ phiếu cũng được Ngân hàng Vietinbank đề xuất với nhà đầu tư lớn trong cuộc gặp gỡ vừa qua. Trong khi đó, tại đại hội cổ đông Ngân hàng Nam Á diễn ra vào cuối tuần qua đã công bố mức chia cổ tức 2015 chỉ 5% với hình thức cổ tức cổ phiếu. Với mức chia cổ tức cổ phiếu 5%, thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm đã khiến không ít cổ đông cảm thấy thất vọng.

Vấn đề chia cổ tức tiếp tục được cổ đông quan tâm. Trong ảnh: Ngân hàng Quốc tế dự kiến chia cổ tức khá cao. Ảnh: NS

Riêng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế VIB vừa công bố tài liệu về họp đại hội cổ đông năm 2016 sắp diễn ra. Theo đó, các cổ đông dự kiến sẽ biểu quyết việc chia cổ tức tiền mặt 8,5% và chia cổ phiếu thưởng tương đương 16,5%. Đây là tỉ lệ chia cổ tức khá ấn tượng so với các ngân hàng khác hiện nay.

Một số ngân hàng khác cũng đang bước vào mùa đại hội cổ đông. Nhiều cổ đông kỳ vọng sẽ tiếp tục được nhận tỉ lệ cổ tức như nghị quyết đại hội cổ đông đề ra. Tuy vậy, hiện nay NHNN tiếp tục can thiệp, ấn định chỉ tiêu chia cổ tức cụ thể đối với từng ngân hàng thương mại. Ví dụ, ngân hàng muốn chi trả cổ tức 9% nhưng cuối cùng phải chi trả mức 6% theo quyết định của NHNN.

Tránh lỗ thật, lãi giả

Lý giải về việc kiểm soát cổ tức, nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng phát biểu với báo chí đây là một trong các giải pháp để tránh tình trạng ngân hàng thương mại làm ra đồng nào “xào” đồng nấy, “lỗ thật, lãi giả” để rồi khi có rủi ro xảy ra không có nguồn để xử lý, nhất là với yêu cầu xử lý nợ xấu. Nói cách khác, trên cơ sở rủi ro tiềm ẩn, quy mô nợ xấu, mức độ trích lập đủ dự phòng rủi ro… để NHNN xác định mức chia cổ tức.

Điều này lý giải vì sao ngân hàng này được chia cổ tức 10% nhưng ngân hàng khác không được chia cổ tức hoặc chia tỉ lệ cổ tức thấp.

Bình luận về vấn đề này, ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính ngân hàng, nói về nguyên tắc nếu ngân hàng thương mại đã kiểm toán đầy đủ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, nợ xấu trong tầm kiểm soát… thì hội đồng quản trị có quyền quyết định việc chia cổ tức mà không bị chi phối bởi NHNN.

“Tuy nhiên, trong những năm qua, tỉ lệ nợ xấu cao, một số ngân hàng bộc lộ những yếu kém và đã có ngân hàng phải bán giá 0 đồng… Do đó việc kiểm soát chia cổ tức là điều cần thiết. Qua đó giám sát hiệu quả kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng” - ông Tiến nhìn nhận.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng việc quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu hay chia bằng tiền mặt phụ thuộc nhiều yếu tố. “Nhưng nguyên tắc là phải giữ lại để tiếp tục tái đầu tư. Nếu cứ có lãi bao nhiêu đều chia béng hết thì ngân hàng không thể phát triển được. Thế nên ngân hàng chia bằng cổ phiếu cũng nhằm tăng vốn và tái đầu tư” - ông Phong nói.

Hài hòa lợi ích

Trong việc chia cổ tức theo hình thức trên thì ai là người được lợi nhất? Với câu hỏi này, ông Phong nói khi tỉ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ít nghĩa là ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ để tăng sức mạnh hơn, khi đó hoạt động kinh doanh mới có ý nghĩa. Nhưng nếu chia cổ tức bằng tiền mặt ít đi mà lại trả lương cho các cán bộ lãnh đạo ngân hàng lớn thì vô nghĩa.

Chuyên gia ngân hàng Đặng Quốc Tiến thì đưa ra ví dụ: Một ngân hàng có lợi nhuận 1.000 tỉ đồng và sẽ chia 5% bằng cổ phiếu, 5% tiền mặt. Như vậy cổ đông nhận được 5 đồng từ cổ phiếu và 5 đồng từ tiền mặt. Điều này cũng có nghĩa ngân hàng giữ lại một nửa, tương đương 500 tỉ đồng đáng ra phải trả cho cổ đông bằng tiền mặt. Và giả sử 500 tỉ đồng này gửi tiết kiệm với lãi suất là 6% thì sau một năm số lượng tiền lời cũng không nhỏ.

“Như vậy cổ đông là người chịu thiệt? Thực tế không phải như vậy. Lý do là ngân hàng có lợi khi giữ lại vốn để sinh lời và cái lời này sẽ giúp cổ phiếu của ngân hàng tăng. Khi cổ phiếu tăng thì cổ tức của những năm sau này cổ đông sẽ nhận được nhiều hơn từ số tiền 500 tỉ đồng ấy” - ông Tiến phân tích.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng nếu ngân hàng “lãi giả, lỗ thật” nhưng lại chia cổ tức nhiều thì trước mắt cổ đông có thể được lợi nhưng rủi ro trong tương lai là khó tránh khỏi. Tuy vậy, để hài hòa lợi ích giữa các bên, việc chia cổ tức tiền mặt cộng thêm bằng cổ phiếu một cách ổn định sẽ giúp cổ đông yên tâm khi sở hữu cổ phiếu lâu dài.

Phải khách quan, minh bạch

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguồn vốn của ngân hàng có thể dùng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau hoặc mua cổ phần của công ty khác nhưng không phải là công ty mà ngân hàng đó có cổ phần.

“Vì nếu làm như vậy là sở hữu chéo chồng sở hữu chéo, dẫn đến thiếu minh bạch và khách quan” - ông Phong nhấn mạnh.

Cổ đông nhỏ lẻ có lẽ thường chỉ mua cổ phiếu với hy vọng kiếm lời sau một năm. Song với những cổ đông lớn họ mong muốn số cổ tức ấy được tái đầu tư.

Chuyên gia ngân hàng ĐẶNG QUỐC TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm