Làm lại hơn 17 triệu thẻ ATM

Theo Quyết định số 38/2007/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang sử dụng ATM có mã BIN cũ phải đổi lại mã BIN mới, sự thay đổi này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lượng lớn khách hàng dùng thẻ ATM.

Ðổi để theo chuẩn chung

Quyết định nêu trên yêu cầu thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành thẻ và ứng dụng các hệ thống quy chuẩn cho dịch vụ thẻ của các ngân hàng. Với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước được xem là đầu mối cấp BIN cho từng ngân hàng, đảm bảo tránh trùng lẫn. Mã BIN mới của các ngân hàng gồm sáu chữ số, bắt đầu bằng 9704, hai số cuối sẽ lần lượt cấp cho từng đơn vị.

Cũng theo quy định này, chậm nhất đến 30-6-2011, tất cả tổ chức phát hành thẻ sử dụng mã BIN cũ phải thực hiện các biện pháp sửa đổi mã BIN theo quy định. Các tổ chức phát hành thẻ không sử dụng mã BIN theo quy chế này sẽ bị buộc phải ngừng thực hiện nghiệp vụ phát hành thẻ và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thiệt hại và rủi ro phát sinh từ việc không tuân thủ mã BIN theo quy chế này.

Làm lại hơn 17 triệu thẻ ATM ảnh 1

Người tiêu dùng phải đổi lại toàn bộ thẻ ATM cho phù hợp với các quy chuẩn công nghệ mới. Ảnh: BÁ HUY

Theo các nguồn thông tin, ước tính toàn thị trường Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu thẻ ghi nợ nội địa. Chiếm đại đa số là các thẻ do các ngân hàng phát hành theo số BIN tự mình đưa ra, vì vậy sẽ phải thay mới.

Khi chưa có quy định về chuẩn mã BIN chung, các ngân hàng thường tự chọn một mã riêng cho loại thẻ nội địa của mình. Cụ thể như thẻ Connect 24 của Vietcombank có bốn số đầu tiên trong mã thẻ 6868. Thẻ ghi nợ nội địa của Techcombank bắt đầu bằng dãy số 4221... Chính bởi sự rối rắm này kéo theo nguy cơ trùng lặp mã BIN khi ngày càng có nhiều ngân hàng phát hành thẻ với hàng loạt sản phẩm thẻ nội địa.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng hoàn tất việc cấp mã BIN mới cho khoảng 30 ngân hàng trong cả nước. Các ngân hàng  phải có kế hoạch làm mới toàn bộ số thẻ nội địa đang được lưu hành có mã định dạng cũ, lộ trình chuyển đổi sẽ do từng ngân hàng lựa chọn.

Khách hàng sẽ không mất phí?

Mặc dù thời điểm thực hiện còn dài nhưng một số ngân hàng đã có kế hoạch chuyển đổi thẻ theo nhiều phương thức khác nhau. Theo tính toán của các ngân hàng, các chi phí liên quan đến việc đổi thẻ ước tính khoảng 10.000 đồng/thẻ, tính chung toàn thị trường có thể tốn hơn 100 tỉ đồng cho việc thay mới BIN.

Mới đây, Vietcombank công bố kế hoạch làm mới toàn bộ 4 triệu thẻ Connect 24 (một sản phẩm thẻ ghi nợ nội địa) đến hết 30-6-2011, mở màn cho đợt thay mới thẻ trong toàn hệ thống ngân hàng. Khách hàng đang sử dụng thẻ Vietcombank Connect 24 sẽ phải làm lại thẻ (miễn phí) với số BIN mới. Trong thời gian chuyển đổi, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ với mã BIN cũ nhưng đến thời điểm quy định, tất cả các thẻ Vietcombank Connect 24 chưa chuyển đổi mã BIN mới sẽ tự động chấm dứt hiệu lực.

Một số ngân hàng như VPBank, ABBank... cũng đưa ra kế hoạch triển khai sử dụng song song, cho đổi dần thẻ cũ đã hết hạn, làm mới từ từ cho đến thời điểm hết hạn định.

Theo ông Võ Văn Khang, Phó Tổng Giám đốc VietABank, việc thay đổi mã BIN không làm ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động thanh toán nào của khách hàng. Nguyên nhân do thời hạn còn dài, các ngân hàng sẽ cho phép người dùng thẻ thay đổi dần cho đến thời điểm quy định. Riêng với VietABank, hiện nay đã đổi được 70%, 25.000 trong số 35.000 thẻ, nên sẽ không ảnh hưởng gì và khách hàng cũng không bị tính phí chuyển đổi. 

Cũng theo ông Khang, chuyển đổi số BIN theo đúng quy chuẩn thì các ngân hàng sẽ không phải tốn các chi phí như đổi máy ATM, đổi công nghệ nhưng lại đưa ra được quy chuẩn phù hợp với các quy chuẩn chung quốc tế, đặc biệt là khi hệ thống ngân hàng điện tử ngày càng phát triển.

Mã BIN không phải là mã “mật khẩu”

Mã BIN (Bank Identification Number) là một dãy số có sáu chữ số theo chuẩn ISO/IEC 7812-1:2006(E) của Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế và Tổ chức Kỹ thuật điện Quốc tế ban hành năm 2006, có định dạng 9704xx. Trong đó, bốn chữ số đầu tiên của mã BIN phản ánh mã quốc gia của tổ chức phát hành thẻ thực hiện nghiệp vụ phát hành thẻ tại Việt Nam và hai chữ số cuối cùng bắt đầu từ số 00 cho đến số 99 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho từng tổ chức phát hành thẻ.

Trường hợp kho số (100 số) theo chuẩn ISO/IEC được cấp hết cho các tổ chức phát hành thẻ, thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định kết cấu mã BIN mới phù hợp với điều kiện cấp, sử dụng và quản lý mã BIN tại thời điểm đó.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm