Lãi suất ngân hàng: giảm cầm chừng bởi nỗi lo lạm phát

Thông thường, một cơ cấu lãi suất hợp lý là phải tăng dần theo kỳ hạn, thời hạn gửi càng dài thì lãi suất càng cao. Cách đây chưa lâu, khi bước vào giai đoạn thanh khoản khó khăn , tất cả các ngân hàng đều áp dụng một biểu lãi suất "ngược": cực cao ở những kỳ hạn ngắn và thấp hơn ở những kỳ hạn dài.

Khi tình hình đã được cải thiện, các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất và việc điều này trước hết đã giúp cơ cấu lại một biểu lãi suất thuận chiều hơn. Điều đó cho thấy sự cải thiện đáng kể về tính thanh khoản.

Điểm qua trên thị trường hiện đã có khoảng 15 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Thống kê sơ bộ cho thấy, lãi suất huy động VND kỳ hạn 3 -12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện ở mức khoảng 17,5%/năm; của các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn là 17,16-17,5%/năm.

Riêng các ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ, họ vẫn áp dụng mức lãi suất khá cao, 18,2-18,6% cho kỳ hạn 3 và 6 tháng. Lãi suất huy động USD của các ngân hàng phổ biến giảm xuống dưới 7%/năm.

Giảm lãi suất nhưng các ngân hàng còn lo lạm phát. (ảnh: minh họa)
Giảm lãi suất nhưng các ngân hàng còn lo lạm phát. (ảnh: minh họa)

Trong khi đó, thông tin từ lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần ở phía Nam cho biết, các ngân hàng đã đạt một sự thống nhất trong việc giảm lãi suất. Còn tại cuộc họp thường kỳ của Hiệp hội ngân hàng cho các thành viên phía Bắc, dù không phải là vấn đề nóng nhưng các ý kiến đều cho rằng, lãi suất nên ổn định và giảm khi có điều kiện, các ngân hàng cần cơ cấu lại biểu lãi suất phù hợp hơn.

Biểu hiện dễ thấy nhất trên thị trường về diễn biến giảm lãi suất cho thấy, sau đợt giảm cuối tháng 7 đầu tháng 8, đỉnh lãi suất huy động VND đã giảm từ 0,1- 1,75%/ năm đối với VND và từ 0,05- 1%/ năm đối với huy động bằng USD. Đến nay, đỉnh lãi suất 19% đã không còn tồn tại. Những đợt huy động lãi suất cực cao cho những kỳ hạn ngắn đã chấm dứt và sau những bước đi mạnh dạn đầu tiên, nhiều ngân hàng mới đã vào cuộc giảm lãi suất.

Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) từng có những đợt tăng lãi suất mạnh, mức lãi huy động ngắn hạn cao, những chương trình khuyến mãi hấp dẫn thì từ ngày 11/8, ngân hàng này áp dụng biểu lãi suất mới 18,6% giảm một ít so với cuối tháng 7 là 18,72%/năm. Biểu lãi suất của SeABank vẫn tập trung cao nhất cho các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng nhưng chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi theo bậc thang, tức là gửi nhiều thì lãi suất lớn.

Trong khi đó, NH Đông Á (DongA Bank) đã quyết định giảm lãi suất khá mạnh. Tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn 1, 2, 3 tuần, 1 tháng và từ 12 tháng trở lên, với mức giảm 0,22-1,1%/năm. Tuy nhiên, ở những kỳ hạn 3, 6 tháng vẫn chưa giảm, riêng LS kỳ hạn 9 tháng giảm 0,4%/năm, còn 18,1%/năm. NH Nam Việt (Navibank) giảm mạnh LS kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng gửi dưới 1 tỉ đồng, từ 18,5%/năm xuống còn 15%/năm.

Ngân hàng Đại Dương là một trong những ngân hàng duy trì lâu nhất đỉnh 19% của thị trường thì từ ngày 12/8 đã áp dụng mức cao nhất là 18,7% cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Các kỳ hạn dưới 1 năm đã được điều chỉnh tăng dần từ 17,6% cho kỳ hạn 1 tháng đến 18,4% cho kỳ hạn 9 tháng. Như vậy, chỉ trong những ngày cuối tháng 7 đến nay, ngân hàng này đã có một số điều chỉnh lãi suất cho nhiều dịch vụ tiết kiệm khác nhau.

Quan sát động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cho thấy, đã có sự cải thiện đáng kể về thanh khoản của các ngân hàng, kể cả các ngân hàng nhỏ vốn áp dụng lãi suất huy động rất cao. Một trật tự cơ cẫu lãi suất từ thấp đến cao theo kỳ hạn đã được thiết lập đến 12 - 13 tháng. Các lãi suất cực cao cho các kỳ hạn nóng đã được chấm dứt. Bước đầu, biểu lãi suất đã được thiết lập một sự hợp lý nhất định.

Giảm cầm chừng bởi nỗi lo lạm phát

Tuy nhiên, đói với các kỳ hạn dài hơn 13 tháng, các ngân hàng đều áp dụng một mức lãi suất giống nhau và khá thấp khoàng 14 - 16%. Theo một chuyên gia ngân hàng, có hai vấn đề, thứ nhất trong tình hình lạm phát hiện nay, khó có khách hàng nào dám gửi tiền dài hạn. Thứ hai, việc giảm lãi suất của ngân hàng có thể chưa thực sự vững chắc. Tính thanh khoản có thể tăng lên nhưng chưa đủ để để ngân hàng quyết định giảm mạnh lãi suất ở tất cả các kỳ hạn mà chủ yếu quyết định giảm lãi suất đưa ra dựa trên những tính toán về lợi nhuận và khả năng thu hút vốn.

Theo chuyên gia này, từ cuối tháng 6, các ngân hàng đã chứng kiến tình trạng lãi suất cao nhưng tiền huy động tăng không đáng kể. Trong khi đó, mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay quá hẹp khiến nhiều ngân hàng khó đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Và thực tế, rất nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay thì rất ít đả động đến. Đã qua thời kỳ khó khăn thanh khoản, các ngân hàng không dại gì để lãi suất cao ở những kỳ hạn ngắn vài tuần đến vài tháng vốn không thể dùng nhiều vào việc cho vay trung, dài hạn được trong khi các khoản vay ngắn nhất là 3 tháng, còn đa số là từ 6 đến 12 tháng.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, cho rằng lãi suất huy động tăng quá cao thời gian qua, trong khi lãi suất cho vay bị khống chế, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, nên ngân hàng buộc phải điều chỉnh lãi suất huy động xuống. “Với mức huy động như cũ, cứ cho vay 1 đồng thì lỗ 2%, ngân hàng nào dám. Trước đây, huy động ở mức cao là do nguồn vốn ngân hàng huy động từ đầu năm với lãi suất thấp vẫn còn, cho nên chi phí huy động bình quân của các ngân hàng còn thấp. Sau tháng 6, nhiều khoản huy động đáo hạn hưởng lãi suất mới cao hơn nhiều, khiến chi phí bình quân cho việc huy động của ngân hàng cũng bị đội lên"- ông Sơn nói.

Hơn nữa, nhìn từ tín hiệu kinh tế vĩ mô, dù lạm phát tháng 7 đã giảm xuống gần 1% nhưng biến động tăng giá xăng dầu gần đây và những lo ngại về chu kỳ tăng lạm phát cuối năm khiến các ngân hàng mới chỉ giảm cầm chừng ở các kỳ hạn ngắn. Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng cần có sự thận trọng nhất định trước tác động của giá xăng dầu mới đối với lạm phát thời gian tới, ảnh hưởng đến định hướng thực hiện lãi suất thực dương.

Trong báo cáo mới đây, một ngân hàng quốc tế nhìn nhận việc giá xăng dầu tăng sẽ khiến lạm phát trong tháng 8 khả năng tăng từ 0,7 - 1% so với tháng 7. Và dự đoán lạm phát của Việt Nam mức trung bình là 25% trong năm 2008 và 15% trong năm 2009. Với điều kiện như vậy, việc giảm lãi suất sẽ còn là quá sớm.

Theo Phước Hà ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm