Lại đến mùa... hủy chuyến bay!

Năm ngoái, vào những ngày gần Tết, cả Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cũng liên tục phải hủy chuyến tại Hải Phòng, Vinh, Huế do thời tiết xấu.

Việc phải hủy chuyến do ảnh hưởng của thời tiết là điều bất khả kháng, dù rằng sự cố hủy chuyến gây ra thiệt hại cho các hãng hàng không. Đơn cử, một chuyến bay từ TP.HCM nhưng không thể hạ cánh ở sân bay Vinh sẽ gây tổn thất cho hãng hàng không 150-160 triệu đồng. Số tiền này bao gồm chi trả tiền xăng dầu để máy bay từ Vinh ra Hà Nội, tiền thuê khách sạn, ôtô để đưa khách từ Hà Nội tới Vinh... Chưa kể việc hủy chuyến còn đem lại sự phiền phức và thiệt hại cho hành khách đi máy bay.

Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam từng phát biểu, mỗi khi mở các đường bay mới thì điều lo lắng nhất chính là thời tiết mùa đông tại các tỉnh phía bắc xấu đi kèm với sương mù khiến máy bay không thể hạ cánh được.

Rõ ràng, đằng sau việc hủy chuyến do thời tiết có thể nhận thấy ngành hàng không phát triển chưa thực sự bền vững khi cơ sở vật chất tại rất nhiều sân bay quá yếu kém và không theo kịp với tốc độ phát triển của ngành hàng không. Hiện nay, ngoại trừ sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài... thì những sân bay còn lại luôn ở trong tình trạng sẵn sàng hủy chuyến mỗi khi có sự biến động thời tiết, dù rằng sự biến động rất nhỏ. Thực tế, việc hủy chuyến đều rơi vào các sân bay có trang thiết bị kém hoặc không có hệ thống đèn báo hiệu. Cũng thời tiết xấu nhưng nếu xảy ra ở sân bay có cơ sở vật chất hiện đại như Tân Sơn Nhất, Nội Bài thì máy bay vẫn có thể dễ dàng hạ cánh.

Năm 2008 được coi là năm đầy sóng gió nhưng cũng là năm chứng kiến sự phát triển nhanh của ngành hàng không trong nước. Biểu hiện của sự phát triển là liên tiếp các hãng hàng không tư nhân ra đời, các hãng hàng không nước ngoài cũng tìm đến Việt Nam xin mở văn phòng đại diện. Còn hai “ông lớn” Vietnam Airlines, Jetstar Pacific thì ngoài những hợp đồng trị giá nhiều triệu đôla để mua sắm máy bay còn liên tiếp mở các đường bay mới từ Hà Nội, TP.HCM đi các tỉnh, thành.

Tuy vậy, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng tại một số sân bay của nhiều địa phương đang là nỗi ám ảnh cho các hãng hàng không. Đây cũng là vấn đề mà nhà nước, ở đây trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải cần phải khắc phục nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng cao của người dân.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm