Kỳ vọng dịch vụ ăn uống sẽ hồi sinh khi tái khởi động du lịch

Nền tảng số Vietcetera mới đây đã chính thức công bố sự trở lại của Flavors Việt Nam 2022. Đây là sự kiện thường niên lần thứ ba, lớn nhất từ trước đến nay trong khuôn khổ Chương trình F&B Việt Nam do Vietcetera và Mastercard tổ chức, bao gồm các hoạt động ẩm thực đa dạng được diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4 tại TP.HCM và Hà Nội.

Tại sự kiện, ông Hảo Trần, Giám đốc Điều hành Vietcetera cho biết, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây nên, ngành dịch vụ ăn uống (F&B) của Việt Nam đã luôn tìm cách vươn lên, đổi mới hình thức, cách thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

"Do đó Flavors Việt Nam là cơ hội để tôn vinh các doanh nghiệp địa phương dẫn đầu trong lĩnh vực ẩm thực và cũng là cơ hội để ngành dịch vụ ăn uống có thể phục hồi mạnh mẽ hơn khi Việt Nam tái khởi động du lịch nội địa và quốc tế.

Tầm nhìn của chúng tôi đối với chương trình chính là nhằm khơi dậy sự hào hứng đối với các xu hướng trong lĩnh vực F&B trong khu vực và trên toàn cầu, với nền ẩm thực của Việt Nam đóng vai trò trung tâm”, vị giám đốc này bày tỏ.

Theo đó, Flavors Việt Nam 2022 bao gồm các sự kiện và hoạt động như Hội thảo Ẩm thực & Đồ uống Việt Nam (Vietnam Food & Beverage Conference), Lễ trao giải Nhà hàng & Quán Bar Việt Nam (Vietnam Restaurant and Bar Awards), Tuần lễ Nhà hàng Việt (Vietnam Restaurant Week), Tuần lễ Quán Bar Việt (Vietnam Bar Week), Thử thách Đầu bếp Tiềm năng (Rising Chefs Challenge), cùng hàng loạt chương trình khác với chủ đề ẩm thực như “không cay không về” và “9PM”.

Chuỗi sự kiện sắp tới này dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp và hơn 5000 tín đồ ẩm thực. Để tiếp cận được số lượng người tham gia nhiều nhất có thể trong quãng thời gian khó khăn này của ngành dịch vụ, Flavors Việt Nam sẽ kết hợp hình thức trực tuyến. Người tham gia sẽ có thể tương tác với những nội dung được thiết kế riêng cho nền tảng số. Các nội dung trực tuyến của chương trình dự kiến sẽ thu hút 15 triệu người tham gia.

 

Theo khảo sát của bộ phận bán lẻ Savills Việt Nam thực hiện vào tháng 7/2021, tỷ trọng doanh thu của kênh trực tuyến so với tổng doanh thu của hãng trung bình tăng 1,5 - 2 lần so với trước COVID-19.

Điều này thể hiện tiềm năng tăng trưởng doanh thu khổng lồ nên các hãng đều cố gắng dốc sức đầu tư cho mạng lưới kinh doanh trực tuyến này. Theo Savills Việt Nam, đây cũng chính là sự tiến hóa trong cung cách thị trường bán lẻ F&B Việt Nam hoạt động trong giai đoạn hậu đại dịch sắp tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm