Kỷ lục: Ban hành hàng chục ngàn quy định... trong 6 tháng

Sáng 31-7, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay: trung bình, mỗi năm các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trong đó, có từ 10-20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ.

Chủ tịch VCCI nhắc lại câu hỏi: con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động. Ảnh: CHÂN LUẬN

Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền trung ương có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến các doanh nghiệp.

"Tại Quốc hội tôi đã từng phát biểu con đường dài nhất Việt Nam không phải  từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động", Chủ tịch VCCI phát biểu.

Tuy nhiên, theo ông Lộc hai năm qua hành trình biến lời nói thành hành động đã được gia tốc.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định: xu hướng chung là thể chế kinh tế đang ngày càng theo hướng kinh tế thị trường, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường đang dần được gỡ bỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận xét, bên cạnh những tiến bộ thì pháp luật về kinh doanh cũng có những bước lùi. Điển hình như NĐ 81/2018. Ảnh: CHÂN LUẬN

Báo cáo của VCCI cho biết: Chính phủ mới đã thể hiện mạnh mẽ quan điểm thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, dường như việc chuyển các quan điểm này thành quy định pháp luật cụ thể còn khá hạn chế.

"Nói một cách lạc quan, có thể coi sáu tháng đầu năm 2018 là giai đoạn chứng kiến những bước đầu tiên của việc "biến lời nói thành hành động", VCCI nhận định.

Sau nhận định chung, báo cáo nêu một số ví dụ về những xu hướng "hành động cải cách thể chế" nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2018.

Điển hình như những nghị định mới về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công Thương, đặc biệt là các nghị định về kinh doanh khí và kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đối với Nghị định về kinh doanh khí, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí với kỳ vọng là sẽ chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khí gas, giảm nguy cơ mất an toàn cháy nổ trong toàn bộ ngành khí đốt. Tuy nhiên, điều 9 của nghị định này lại yêu cầu các thương nhân phân phối khí đốt phải sở hữu ít nhất 100.000 bình gas và bồn chứa 300m3 thì mới được kinh doanh. Nghị định đưa ra thời hạn 2 năm để các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định này.

Ngay khi vừa được ban hành, nghị định đã vấp phải những ý kiến không thuận từ một số doanh nghiệp gas nhỏ tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo các doanh nghiệp, không chỉ gây lãng phí, quy định này còn có thể khiến nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường bỗng dưng phá sản, hoặc phải bán lại tài sản của mình cho những doanh nghiệp lớn hơn với giá chỉ bằng một phần nhỏ vốn đã đầu tư.

Dù rất nhiều tuyên bố, lời hứa đã được đưa ra từ cuối năm 2016, nhưng phải mất đến 27 tháng, ngày 15-6-2018, Nghị định 87/2018 thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí mới được ban hành, gỡ bỏ quy định về điều kiện kinh doanh về số lượng bình gas và dung tích bồn chứa.

Hội nghị thu hút nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Ảnh: CHÂN LUẬN

Còn Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng có nhiều điều kiện kinh doanh ràng buộc quy mô kinh doanh vượt quá mức cần thiết. Điều 4 của nghị định yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho ít nhất 5.000 tấn, và có cơ sở xay xát thóc gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Các điều kiện về quy mô này cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nhỏ trong khi không rõ mục tiêu quản lý là gì (nếu quy mô thấp hơn thì ảnh hưởng gì tới lợi ích công cộng).

Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã đăng tải công khai dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109 để lấy ý kiến doanh nghiệp. Dự thảo cũng đã đề xuất bãi bỏ tất cả những điều kiện kinh doanh phân biệt quy mô doanh nghiệp. Nghị định này cũng đã được thẩm định tại Bộ Tư pháp từ cuối tháng 8-2017.

“Nhưng không rõ vì lý do gì nghị định vẫn chưa được ban hành. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất chờ đợi ở việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 109 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh”, báo cáo của VCCI cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm