Konosuke Matsushita: Một người Nhật Bản "khổng lồ"

Trong lĩnh vực công nghệ và điện tử thì ngay cả những cường quốc của thế giới như Hoa Kỳ và Nga đều kính nể đất nước Nhật Bản. Những sản phẩm mang tên National hay Panasonic từ lâu nay đã len lỏi vào mỗi gia đình từ mọi châu lục trên khắp hành tinh. Tuy nhiên, có thể nhiều người chưa biết những thương hiệu lừng danh ấy chính là của Tập đoàn Matsushita nổi tiếng và người sản sinh ra tập đoàn là một trong những doanh nhân tài ba đáng ngưỡng mộ nhất trên toàn cầu.

Ông cũng là người đã làm cả thế giới phải nhìn văn hóa và tinh thần Nhật Bản bằng con mắt trân trọng và khâm phục. Nhân vật được coi là "ông tổ" của Phương thức kinh doanh kiểu Nhật, người "khổng lồ" của dân tộc Nhật Bản ấy chính là Konosuke Matsushita.

Những bước đầu tiên

Matsushita sinh ngày 27/11/1894 tại một làng nhỏ phía nam Osaka thuộc tỉnh Wakayama trong một gia đình làm nông nghiệp có 7 anh chị em, ông là con thứ 3 trong gia đình. Chỉ học hết bậc tiểu học 4 năm, mới 9 tuổi cậu bé đã phải đi học việc để kiếm sống và nuôi gia đình. Konosuke xin vào học nghề và phụ việc tại một cửa hàng bán lò than tại Osaka vài tháng trước khi học xong tiểu học.

Konosuke Matsushita: Một người Nhật Bản "khổng lồ" ảnh 1

Konosuke Matsushita thời trẻ và sau này khi trở thành ông chủ tập đoàn Matsushita

Ngày làm việc của Konosuke bắt đầu từ sớm tinh mơ với việc lau dọn sạch sẽ cửa hàng. Khi cửa hàng sạch sẽ tinh tươm, cậu bắt đầu đánh bóng các lò than trong khi những đứa con của người chủ cửa hàng cũng đồng trang lứa vẫn đang ngủ say trên giường. Cực nhọc là thế nhưng những đồng lương đầu tiên ít ỏi cậu nhận được dường như là một gia tài thực sự và làm tan biến mọi mệt nhọc.

Chưa đầy một năm sau, cửa hàng bán lò than đóng cửa. Konosuke xin được vào phụ việc tại một cửa hàng bán xe đạp. Vào thời đó, xe đạp là một món hàng xa xỉ thường được nhập khẩu từ Anh quốc. Cửa hàng xe đạp cũng thực hiện cả các công việc sửa chữa cơ khí nhỏ và Konosuke nhanh chóng học được cách dùng máy tiện và một số công cụ khác. Công việc vất vả và nhiều lúc nhàm chán nhưng Konosuke vẫn cố gắng trụ lại để tích lũy kinh nghiệm. Cha cậu luôn động viên: "Các kỹ năng con đang học sẽ đảm bảo tương lai của con. Hãy là một doanh nhân thành đạt và con có thể thuê những người được học hành đầy đủ".

Sau vài năm làm việc, Matsushita đã để lại cho ông chủ những ấn tượng tốt về mình. Lần đó, một cậu bé cùng làm việc và ngang tuổi với Matsushita đã ăn cắp đồ của cửa hàng. Bị phát hiện, ông chủ thương tình chỉ nhắc nhở cậu bé kia, nhưng Masushita đã nói: "Tôi không thể làm việc chung với một người ăn cắp, như thế tôi đã bị tiếng xấu. Nếu ông không đuổi cậu ta thì tự tôi sẽ thôi việc!". Và ông chủ đã đồng ý với cậu.

Vài năm sau, mặc dù công việc đang tiến triển và ông chủ rất tin dùng thì Masushita bỗng quyết định thôi việc. Vào thời gian này, xe điện bắt đầu xuất hiện trên các quảng trường lớn ở Osaka, bản năng của Konosuke mách bảo rằng các sản phẩm sử dụng điện năng sẽ là xu thế mới trong tương lai. Khao khát được trở thành một phần trong lĩnh vực mới mẻ này, cậu xin vào làm việc tại Công ty Chiếu sáng điện Osaka, và rời khỏi tiệm bán xe đạp khi mới 15 tuổi.

Dự án lớn đầu tiên mà Konosuke tham gia là mắc hệ thống dây điện cho Nhà hát lớn của thành phố. Dự án kéo dài hơn 6 tháng và nhóm của Konosuke đã làm việc suốt ngày đêm để kịp tiến độ. Do bỏ quá nhiều sức lực và tâm huyết cho dự án này, suốt thời gian làm việc trong nhà hát không hề có hệ thống sưởi, nên khi dự án thành công mỹ mãn thì Konosuke đã mắc bệnh viêm phổi.

21 tuổi, Matsushita cưới vợ. Lúc này sức khỏe anh không tốt, nhiều lúc Matsushita nghĩ có lẽ mình chẳng sống được lâu. Tương lai vợ con mình sẽ ra sao? Nhớ lời khuyên của cha về mục tiêu trở thành một doanh nhân, anh càng quyết tâm rời bỏ công việc ổn định với mức lương cao vào ngày 15/6/1917 và chính thức mở công ty sản xuất riêng. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của Konosuke lúc đó vỏn vẹn có... 97 yên, chỉ gần đủ cho các công cụ và nguyên liệu cơ bản. Các công cụ nặng, tất nhiên, là không thể có được. Tuy nhiên, không nản lòng với nguồn lực sơ sài, Konosuke mở một cửa hàng tại chính căn hộ nhỏ dưới tầng hầm một tòa nhà của mình. Cùng làm việc với anh có hai đồng nghiệp cũ tại công ty điện Osaka.

Công việc kinh doanh cuối cùng không hiệu quả. Đến cuối năm 1917, hai người đồng nghiệp cũ của Konosuke ra đi. Công ty chỉ còn lại Konosuke và 2 cộng sự khác. Người chủ cửa hiệu cầm đồ của Mumeno kể lại câu chuyện về những tháng ngày khốn khó giật gấu vá vai, lo ăn từng bữa của gia đình Konosuke. Đến chiếc áo Kimono, của hồi môn và nữ trang của vợ anh cũng phải bán đi để lấy tiền làm vốn kinh doanh.

Đang trên bờ vực phá sản, bất ngờ công ty đã ký được một đơn hàng 1.000 miếng cách điện cho quạt điện. Thế là lại có thêm điểm tựa để tiếp tục trụ lại với thương trường. Ngày ngày Matsushita lao vào nghiên cứu quên ăn quên ngủ. Mọi cố gắng của anh đã gặt hái được thành công đầu tiên, đó là chiếc... đui đèn! Nó được khách hàng rất hoan nghênh. Với nghiên cứu này, Matsushita xin cấp bằng sáng chế và đó là tấm bằng đầu tiên trong số gần 5 vạn tấm bằng của "vương quốc" Matsushita sau này.

Khi công việc kinh doanh thuận lợi, Konosuke bắt đầu có tiền để đầu tư. Anh thuê một căn nhà hai tầng và mở "Xưởng chế tạo đồ điện Matsushita" ở tầng một.  Từ đây có xưởng lớn hơn, Konosuke mở rộng sản xuất phát triển thêm phần cắm nối vào đèn và đui đèn hai đầu. Cả hai đều là ý tưởng sáng tạo do anh tự thiết kế. Các sản phẩm này với chất lượng cao và giá rẻ ngay lập tức được chào đón và sử dụng rộng rãi. Đến năm 1922, Konosuke xây dựng một nhà máy và khu văn phòng mới để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất.

Thời kỳ này Konosuke nhận ra tiềm năng vô cùng lớn của thị trường bóng đèn chạy pin cho xe đạp. Mặc dù bóng đèn xe đạp lúc này đã xuất hiện nhưng nhìn chung có độ tin cậy thấp và thời gian sử dụng thường không quá 3 giờ liên tục. Quyết định phải giải quyết bằng được vấn đề này, Konosuke dành 6 tháng để thiết kế bóng đèn cho xe đạp có hình viên đạn, đặc biệt, loại bóng đèn này có thể hoạt động tới 40 giờ mà không cần xạc pin.

Tuy nhiên, các đại lý bán hàng không mấy tin tưởng vào sản phẩm và từ chối cung cấp ra thị trường. Konosuke quyết định bỏ qua các đại lý và gửi hàng mẫu trực tiếp tới các chủ cửa hàng xe đạp, đề nghị họ kiểm tra kết quả vận hành của loại bóng đèn mới. Không ngờ chiến lược này đã mang lại kết quả hơn cả mong đợi. Một "cơn lũ" các đơn đặt hàng ào ạt đến. Thậm chí một số đại lý trước kia còn không buồn nói chuyện với Konosuke thì giờ đây cạnh tranh nhau để được phân phối sản phẩm của anh.

Sử dụng thương hiệu National lần đầu tiên

Thành công đã khích lệ Konosuke tiếp tục phát triển thế hệ bóng đèn xe đạp chạy pin thứ hai, lần này anh chọn thiết kế hình vuông. Trong một lần suy nghĩ đặt tên cho loại bóng đèn mới, anh chợt nhìn thấy từ tiếng Anh "international" trên mặt tờ báo để bàn. Tra từ điển, Konosuke ngẫm nghĩ từ "international", rồi từ "national". Anh thích "national" với những ý nghĩa là "thuộc về" hay "liên quan" tới quốc gia và đó thực sự là ý nghĩa hoàn hảo cho sản phẩm mới. Bởi Konosuke tin rằng, ắt sẽ có một ngày tất cả các gia đình trên toàn nước Nhật sẽ sử dụng sản phẩm của anh. Vậy là vào năm 1927, thương hiệu National nổi tiếng chính thức ra đời.

Vào thời gian này, các sản phẩm điện dân dụng được coi là hàng hóa xa xỉ và có giá quá cao với phần đông người tiêu dùng. Konosuke quyết định phải tạo ra các sản phẩm điện dân dụng phù hợp với khả năng của những người tiêu dùng bình dân nhất. Anh thành lập bộ phận riêng chuyên thiết kế các thiết bị sưởi điện và phát triển bàn là điện với mục tiêu hướng tới thị trường đại chúng. Ba tháng sau, "Siêu bàn là" thương hiệu National được hoan nghênh khắp Nhật Bản.

Konosuke Matsushita: Một người Nhật Bản "khổng lồ" ảnh 2

Đui đèn, "siêu bàn là" và radio hiệu National - những sản phẩm đầu tiên của Konosuke Matsushita

Mặc dù thị trường bàn là điện có mức cầu theo dự báo là 100.000 cái/năm, Konosuke đã yêu cầu bộ phận sản xuất cung cấp 10.000 bàn là hiệu National hằng tháng. Anh biết rằng sản xuất quy mô lớn sẽ giúp giảm giá thành và rất nhiều người tiêu dùng sẽ mua loại bàn là mới khi giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của họ. Nhờ vậy, thị trường sẽ mở rộng. "Siêu bàn là" hiệu National được bán với giá 3,2 yên, thấp hơn rất nhiều mức giá 5 yên của các đối thủ cạnh tranh và nhanh chóng trở thành một sản phẩm bán chạy nữa của công ty.

Luôn bắt nhịp được nhu cầu  của thị trường, mọi chiến lược nghiên cứu và kinh doanh của Konosuke đều đúng thời điểm và đáp ứng trúng nhu cầu của xã hội. Suốt thời kỳ suy thoái, nhu cầu sử dụng radio phát triển nhanh chóng trong dân chúng nhưng giá bán radio ngoài thị trường quá cao và chất lượng thấp. Ngay lập tức, Konosuke lại tung ra các sản phẩm mới trong vòng 3 tháng và sản phẩm này nhận được giải Nhất trong cuộc thi do Đài Phát thanh công cộng Tokyo tổ chức bấy giờ.

Kinh doanh là con người

Câu nói ưa thích của Konosuke: "Kinh doanh là con người" (Business is people). Luôn tin tưởng vào năng lực của nhân viên và đồng sự là một phần tính cách của Konosuke.

Trong lần Konosuke được một người bạn mời tham dự một buổi lễ tại đền Shinto, anh đã rất ấn tượng và rút ra nhiều điều trong triết lý kinh doanh của mình.  "Nhân loại cần sự thịnh vượng cả vật chất và tinh thần. Và công việc kinh doanh, đóng góp các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hạnh phúc. Đây là sứ mạng cốt yếu của kinh doanh".

Sau khi trở về, Konosuke tập trung nhân viên vào ngày 5/5/1932 và phát biểu một thông điệp định hướng cho công ty theo suốt nhiều thập niên sau. "Nhiệm vụ của một nhà sản xuất xóa bỏ đói nghèo bằng cách sản xuất thật nhiều hàng hóa. Mặc dù nước cũng có thể coi là một sản phẩm, không ai phản đối nếu một người khách qua đường dừng lại và uống nước từ vòi công cộng. Đó là bởi vì nguồn cung cấp nước rất phong phú và giá nước rẻ. Sứ mệnh của một nhà sản xuất như chúng ta là cung cấp hàng hóa nhiều và rẻ như nước công cộng. Đó là cách chúng ta dẹp bỏ đói nghèo, mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của con người và làm cho thế giới tốt đẹp hơn".

Đến năm 1934, Viện Đào tạo tại nhà máy Kadoma của Konosuke ra đời. Tại đây, học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể theo học trong 3 năm và được đào tạo cả kỹ thuật và kinh doanh. Lúc này phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của Matsushita đã lan ra cả nước với 200 loại sản phẩm điện như: dụng cụ nối điện, dụng cụ nhiệt điện, máy thu thanh, pin... Số lượng công nhân đã lên tới hơn 1.000 người. Năm 1935, công xưởng Matsushita trở thành Công ty Công nghiệp điện khí Matsushita. Năm 1938, Matsushita chế tạo được mô hình máy thu hình và tới năm 1941, công ty của Matsushita trở thành một doanh nghiệp lớn với hơn 10.000 công nhân.

Với "Sứ mệnh chân chính là sản xuất những vật dụng có chất lượng cao và phổ biến rộng cho nhân dân Nhật Bản và toàn thế giới" và phương châm "Làm giàu là yêu nước", Matsushita đã từng bước khẳng định vị trí của mình trên thương trường. Đối với công nhân, ông xác định "tuyệt đối không giảm bớt công nhân và tiền lương của họ", đối với sản phẩm thì  "tuyệt đối không hạ giá bán". Còn với bản thân, Matsushita xác định: "bất luận trong trường hợp nào cũng không thể để mất đi tự tin".

(Còn nữa)

Theo Ngọc Mai (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm