Kinh doanh lúa gạo thua lỗ vì yếu kém

 “Đại đa số doanh nghiệp (DN) trong năm 2013 đã thua lỗ nặng nề với khoản lỗ hàng tỉ đồng”- ông Trương Thanh Phong, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết.

Đừng đổ thừa chính sách

Theo đại diện VFA, chính sách tạm trữ lúa gạo không còn phù hợp vì từ năm 2012 chương trình này đã không còn hiệu quả. Năm 2013, mặc dù cả hai đợt tạm trữ đông xuân và hè thu, các DN đã rất cố gắng thu mua lúa gạo nhưng sau khi mua tạm trữ xong thì phải chịu bán lỗ vì không cạnh tranh được với giá gạo thế giới.

Như vậy khoản lỗ được cho là cả trăm tỉ đồng của Vinafood 2 cũng như tình trạng lỗ của các DN xuất khẩu gạo khác đã được “đổ” tại chính sách tạm trữ lúa gạo của Chính phủ. Tuy nhiên, lý do này chưa chính xác vì những bất cập trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Thứ nhất, “cuộc đua giá gạo” với Thái Lan hồi cuối năm 2011 đã quá đà dẫn đến thua lỗ của các DN xuất khẩu gạo trong năm 2012, cho nên không thể “đổ thừa” cho chính sách tạm trữ lúa gạo của Chính phủ.

Nông dân ở ĐBSCL bị ép giá, không có lãi trong khi DN lương thực lại gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng vốn nhà nước. Ảnh: Q.Huy

Chạy đua không nổi với Thái Lan, Việt Nam đẩy giá gạo xuất khẩu lên cao hơn giá của Thái Lan không khác gì xua đuổi khách hàng của chúng ta đến với Ấn Độ và Pakistan. Với việc tăng mạnh giá như vậy, xuất khẩu gạo nước ta đã giảm hàng trăm ngàn tấn trong một thời gian ngắn. Do vậy lúc này để “dụ” khách hàng quay lại với mình, các DN Việt Nam không có cách gì khác ngoài việc đại hạ giá. Đáng chú ý có thời điểm DN nước ta đã giảm giá gạo xuất khẩu tới 150 USD/tấn (từ đỉnh là 550 USD/tấn, xuống mức chạm đáy chỉ với 395 USD/tấn), thậm chí xuống mức thấp nhất thế giới.

Thứ hai, có nhiều khả năng các DN thành viên của Vinafood 2 cũng như không ít các DN hội viên của VFA đều đã quá quen lệ thuộc vào các hợp đồng tập trung từ tổng công ty “mẹ” rót xuống. Nên khi “bầu sữa” cạn thì các công ty con này lâm vào thế bị động, buộc phải bán gạo với giá rẻ để cắt lỗ mỗi khi thời hạn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ kết thúc.

Lỗ vì quá lệ thuộc

Theo báo cáo lượng gạo xuất khẩu của nước ta theo các hợp đồng tập trung sang thị trường Philippines, Indonesia và Malaysia  năm 2011 đạt gần 3,4 triệu tấn, chiếm 47,6% tổng lượng gạo xuất khẩu. năm 2012 giảm mạnh xuống chỉ còn 2,8 triệu tấn và 35%, còn năm 2013 vừa qua tiếp tục “rơi tự do” xuống chỉ còn hơn 1,1 triệu tấn và 17%.

Một điều hết sức đáng lưu ý là gạo xuất khẩu sang các thị trường trên được giá hơn hẳn so với những thị trường còn lại. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu sang ba thị trường này trong năm 2012 và 2013 đã giảm mạnh nhưng do chênh lệch về giá xuất khẩu đã giãn rộng lên 28-51 USD/tấn nên khoản lợi này vẫn lần lượt lên tới 78 triệu USD và 58 triệu USD.

Rõ ràng trong điều kiện có cùng “sân chơi thị trường đầu vào”, một số DN chỉ xuất khẩu gạo theo các hợp đồng thương mại vẫn không bị sụp đổ. Thậm chí thời điểm này vẫn liên tục có không ít DN “xếp hàng” chờ cơ quan quản lý nới lỏng “hạn ngạch” cấp phép được quyền kinh doanh xuất khẩu gạo, chứng tỏ thị trường này vẫn còn là “mảnh đất màu mỡ”. Như vậy khoản lỗ “khủng” lẫn nợ khó đòi của Vinafood 2 chỉ có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Đó là do hoạt động quản lý yếu kém và do quá quen “há miệng chờ sung”, không chủ động tìm kiếm các hợp đồng thương mại để thay thế. Nên khi “sung” không còn nhiều để gặt hái như trước thì cũng đã buộc phải hạ giá bán để cắt lỗ.

Nói tóm lại, tuy khác nhau nhưng tình trạng lỗ trong kinh doanh xuất khẩu gạo trong hai năm qua của “anh cả” Vinafood 2 có nhiều khả năng đều bắt nguồn từ những yếu tố chủ quan chứ không thể do Chính phủ áp đặt chính sách tạm trữ. Xét ở góc độ khác, thua lỗ của các DN được coi là “chủ lực” này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến khó khăn của thị trường xuất khẩu gạo lẫn thị trường trong nước. Một phần trách nhiệm nữa thuộc về vai trò điều hành của Hiệp hội VFA và cũng nên nhớ rằng lãnh đạo VFA lúc đó lại kiêm là lãnh đạo của Vinafood 2.

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH

Theo báo cáo của kiểm soát viên Vinafood 2 với Bộ NN&PTNT vào cuối tháng 11-2013, chỉ trong chín tháng đầu năm 2013 có tới 19/44 đơn vị trực thuộc tổng công ty này thua lỗ. Trong số này có nhiều đơn vị thua lỗ hai năm liên tục, hàng trăm tỉ đồng vốn nhà nước bị thất thoát. Hàng loạt công ty con thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thua lỗ kéo dài và bị nợ khó đòi với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm