Kinh doanh hàng điện máy: Năm đại hạn

Hàng chục nhà nhập khẩu nhỏ hơn cũng đang “ôm hàng” với trị giá khoảng 100 tỉ đồng/doanh nghiệp. Ảnh: H.T
Hàng chục nhà nhập khẩu nhỏ hơn cũng đang “ôm hàng” với trị giá khoảng 100 tỉ đồng/doanh nghiệp. Ảnh: H.T

Nhìn doanh số kinh doanh quý 1/2008, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và bán lẻ hàng điện tử, công nghệ thông tin dự báo khả năng tăng trưởng của nhóm hàng này trong năm 2008 sẽ lên tới 25%. Nhưng từ tháng 5.2008 trở lại đây, sức mua nhóm hàng này đã sa sút ngoài dự đoán.

Ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh của hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn nói: “Với diễn biến tình hình thị trường hiện nay, khó có nhà bán lẻ và nhà phân phối nào đánh giá đúng thực tế thị trường, nhất là thị trường điện máy và các mặt hàng công nghệ thông tin, điện thoại di động…”. Thống kê từ một số hệ thống bán lẻ và phân phối, ước tính đến giữa tháng 8.2008, sức mua trên thị trường đã giảm từ 30 – 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với bình quân của ba tháng đầu năm 2008, sức mua từ tháng 5 cho đến tháng 8 đã giảm khoảng 20 – 25% tuỳ theo mặt hàng. Tỷ lệ giảm mạnh nhất là các mặt hàng điện máy, sau đó là nhóm hàng công nghệ thông tin, điện thoại di động.

Nhập hàng khi giá cao

Từ giữa tháng 6.2008, khi tỷ giá đồng đô la Mỹ và đồng tiền Việt gần mức 20.000 đồng/USD đã làm các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ “khó xử”. Hàng hoá nhập khẩu được tính bằng đô la Mỹ, nên khi tỷ giá lên, giá sẽ cao hơn. Dù nguy cơ không bán được hàng là điều có thể nhìn thấy qua diễn tiến sức mua trên thị trường, nhưng doanh nghiệp, cả bán lẻ và nhập khẩu, vì có những ràng buộc về những đơn hàng đã đặt trước đó nên phải nhập hàng.

Bà Tô Hồng Trang, giám đốc kinh doanh của Digiworld giải thích: “Khi hàng đã xuống tàu, bất luận tỷ giá như thế nào cũng phải nhập. Hiện nhiều nhà nhập khẩu đang ôm hàng do với giá nhập cao nên không bán được. Hàng đã xuất bán cho các nhà bán lẻ thời điểm đó cũng đang còn tồn nhiều”. Thời điểm mà bà Trang nói là từ cuối tháng 6 cho đến hết tháng 7.2008. Lúc ấy, giá hàng nhập còn được đẩy lên do tỷ giá lên cộng với việc ngân hàng khống chế hạn mức ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp buộc phải mua đô la thị trường tự do với giá cao.

Thời điểm ấy, các nhà bán lẻ cũng đứng trước tâm lý sợ tỷ giá sẽ còn tiếp tục tăng cao nên nhiều người ôm hàng với trị giá lớn. “Đến nay, càng ôm càng lỗ vì tỷ giá xuống cộng thêm phải cạnh tranh với giá hàng nhập thời điểm sau này đã rẻ hơn...”, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu nói. Giới nhập khẩu hàng công nghệ thông tin tại TP.HCM tiết lộ, chỉ tính riêng lãi suất ngân hàng, trong hai tháng 6 và 7, một nhà nhập khẩu đã phải trả 15 tỉ đồng/tháng. Chưa kể họ còn chịu những khoản chi “mềm” khác: lưu kho, giá trị hàng hoá giảm theo chu kỳ sản phẩm… Trong thời điểm này, một hệ thống bán lẻ điện thoại di động ôm hàng với giá trị trên 50 tỉ đồng, một hệ thống bán lẻ hàng điện máy ôm hàng trên 100 tỉ đồng…

Bán không được vẫn phải nhập hàng mới

Từ cuối tháng 7.2008, thị trường ngoại tệ đã hạ nhiệt, giá cả nhiều mặt hàng “chiến lược” như xăng dầu, vàng… cũng đã giảm xuống khá mạnh. Những yếu tố trên đã tác động đến thị trường bán lẻ các mặt hàng điện máy, công nghệ thông tin khá mạnh. Giá nhiều mặt hàng đã giảm 2 – 5% nhưng vì sức mua còn yếu (gặp thời tiết đang vào mùa mưa), cộng thêm lượng hàng nhập mới đổ về đã làm nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ vốn khó khăn, lại càng khó khăn.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hiện các nhà phân phối hàng công nghệ thông tin, hàng điện máy, điện thoại di động đang tồn lượng hàng trong kho hàng ngàn tỉ đồng. Có nhà nhập khẩu hiện đang lưu hàng khoảng 500 tỉ đồng. Hàng chục nhà nhập khẩu nhỏ hơn cũng đang “ôm hàng” với trị giá khoảng 100 tỉ đồng/doanh nghiệp. Một nhà nhập khẩu hàng công nghệ thông tin nói: “Hiện nay chúng tôi còn số hàng trị giá ngót nghét 100 tỉ đồng mà chưa biết đến bao giờ mới bán hết”.

Hàng còn tồn kho nhiều nhưng doanh nghiệp buộc phải nhập hàng mới cho đủ “quota” với hãng để hưởng ưu đãi về giá, có hàng mới để cạnh tranh với các nhà phân phối khác… “Nợ chồng nợ nhưng phải chấp nhận thực tế đó. Đã kinh doanh phải biết chấp nhận rủi ro”, ông Nguyễn Văn Hiền (Bách Khoa Computer) bình luận.

Hiện các siêu thị điện máy tại TP.HCM đang chuẩn bị đợt bán hàng tồn. Dự kiến sẽ tổ chức đồng loạt vào cuối tháng 8 sắp tới. Còn các nhà bán lẻ hàng công nghệ thông tin đang có nhiều chương trình khuyến mãi như tặng phiếu mua hàng với giá trị tuỳ theo giá máy, tặng học bổng khi mua máy tính, bán dưới giá nhập khẩu… Họ đang làm tất cả để cố gắng từ nay đến hết tháng 9 sẽ giải phóng càng nhiều hàng càng tốt để có vốn nhập hàng mới trước khi mùa mua sắm dịp tết bắt đầu.

Theo Gia Vinh (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm