Không nên tiếp tay kinh doanh giải thưởng

>>> Vedan đã trả lại giải thưởng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng không cần đợi đến khi xảy ra vụ việc Vedan mới phải xem lại tình trạng loạn giải thưởng, danh hiệu. Trước đây, việc này cũng đã đáng báo động rồi.

Coi chừng mang tiếng bộ, ngành!

Ông Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM, cho biết hằng năm, mỗi doanh nghiệp nhận ít nhất là 10 hồ sơ mời chào tham dự giải thưởng các loại. Ông cũng thẳng thừng nhận xét: “Hầu hết là do các đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức nhưng lấy danh nghĩa một bộ, ngành nào đó để mời doanh nghiệp tham gia. Có thể nói đây là hình thức biến tướng, kinh doanh giải thưởng”. Bởi lẽ theo ông Nguyện, các bộ, ngành chỉ ký tên mời tham dự chứ không kiểm soát được hết quy trình thực hiện, quy chế xét thưởng của giải ra sao.

Do đó, để chữa căn bệnh này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng với các giải thưởng, danh hiệu do các tổ chức, doanh nghiệp làm riêng thì các cơ quan quản lý không nên nhúng tay vào bảo trợ hay tham gia tổ chức. Đừng tham gia các giải thưởng kiểu một nửa là nhà nước bảo trợ, một nửa là “kinh doanh” như giải vừa rồi mà Vedan có được. Tham gia như vậy thì cũng chỉ mang tiếng thêm thôi! Do đó, nhà nước không nên tham gia vào các giải thưởng mà doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước cung cấp.

Để hiệp hội làm có lợi hơn

Bà Lan cũng cho rằng về phần các giải thưởng do doanh nghiệp, đơn vị tự tổ chức thì chủ yếu là để các hiệp hội đứng ra làm và xét giải cho hội viên của họ. Bà Lan phân tích việc này có mấy cái lợi. Thứ nhất là hiệp hội sẽ cùng bàn với doanh nghiệp về các tiêu chí minh bạch, rõ ràng. Các tiêu chí này sẽ phù hợp và dễ được doanh nghiệp trong hội, trong ngành đồng tình với nhau.

Thứ hai là hiệp hội do hội viên bầu ra nên cũng bị hội viên giám sát chặt chẽ. Do đó mà hiệp hội sẽ phải công tâm, minh bạch khi xét giải thưởng. Nếu hiệp hội lơ mơ làm không tốt thì hội viên sẽ có ý kiến ngay. Bà Lan cũng cho biết: “Tôi không tán thành cách để cho những trung tâm này nọ tổ chức giải thưởng vì một trung tâm không đại diện cho loại doanh nghiệp nào cả và cũng không có ràng buộc trách nhiệm gì được”.

Đương nhiên, dù đơn vị nào làm thì cũng cần sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp nhưng nếu là hiệp hội tổ chức, thu phí thì dù sao cũng sòng phẳng hơn, chi tiêu ra sao cũng minh bạch hơn.

Ông Nguyễn Chí Nguyện cũng có ý kiến tương tự, rằng nên để các hiệp hội ngành nghề tổ chức giải thưởng hoặc ít ra cũng phải có sự tham gia của hiệp hội ngành nghề trong quá trình thẩm định doanh nghiệp đạt giải. Bởi lẽ hiệp hội là đơn vị nắm rõ hội viên của mình mạnh yếu ra sao, kinh doanh tốt xấu như thế nào.

Thị trường sẽ tự điều chỉnh

Trong tình hình hiện nay, để giảm bớt tình trạng loạn danh hiệu, giải thưởng, doanh nghiệp nên chủ động, tỉnh táo “chọn mặt gửi vàng”. Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị của Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, cho biết doanh nghiệp cũng rất cần danh hiệu vì danh hiệu đưa hình ảnh doanh nghiệp đến người tiêu dùng một cách hiệu quả, nhanh chóng. Tuy nhiên, phải là danh hiệu thực chất, được tổ chức đàng hoàng, đáng tin cậy chứ không phải những danh hiệu lung tung.

Ông Hoàng cũng khẳng định mỗi năm công ty ông nhận rất nhiều thư mời tham gia giải thưởng nhưng công ty chỉ chủ động chọn những giải thưởng lâu năm, có uy tín để tham gia mà thôi. Còn các giải khác thì công ty từ chối không tham gia. Từ chối mãi rồi các đơn vị tổ chức giải thưởng cũng chịu buông mình ra. Ông Hoàng cho rằng: “Thị trường giải thưởng rồi cũng sẽ tự điều chỉnh”.

Bà Phạm Chi Lan cũng khẳng định: “Bây giờ doanh nghiệp cũng rất khôn! Người ta cũng biết bỏ tiền ra có đáng đồng tiền bát gạo hay không”. Hiện nay có nhiều giải thưởng nhưng tự doanh nghiệp họ cũng thấy giải thưởng nào thực sự có giá trị, cần duy trì thì mới theo. Giải nào không phục vụ cho doanh nghiệp thì cũng bị loại bỏ theo quy luật thị trường.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể thoải mái theo cơ chế thị trường, bà Lan nhấn mạnh việc cơ quan quản lý không nên tiếp tay vào các giải kinh doanh. Bởi lẽ nếu các cơ quan bộ, ngành cứ “hợp tác”, “phối hợp”, “đồng tổ chức” mãi thì nhiều khi doanh nghiệp nể vì mà không dám chối bỏ, phải bấm bụng tham gia.

Xét giải cũng có khuyến mãi

Sáng qua, một doanh nghiệp đến Báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp một xấp tài liệu đủ loại giải thưởng mà doanh nghiệp này “được” nhận gần đây.

Trong đó, một hồ sơ mời doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm thương mại người Việt - hàng Việt hội nhập WTO lần IV-2009. Đây là hội chợ do Công ty cổ phần Quảng cáo hội chợ triển lãm quốc tế Đông Phương tổ chức, có sự bảo trợ của Bộ Công thương và Vụ Thị trường trong nước. Trong đó có kèm theo chương trình xét thưởng cúp vàng, huy chương vàng sản phẩm uy tín chất lượng hội nhập WTO.

Doanh nghiệp đăng ký tham dự xét thưởng Cúp vàng “Thương hiệu uy tín, chất lượng hội nhập WTO” nộp lệ phí 10 triệu đồng mỗi cúp. Nếu doanh nghhiệp có nhiều thương hiệu thì có thể đăng ký nhiều cúp. Doanh nghiệp tham dự xét thưởng Huy chương vàng “Sản phẩm chất lượng hội nhập WTO” nộp ba triệu đồng cho mỗi sản phẩm. Ban tổ chức còn khuyến mãi, cứ doanh nghiệp có bốn sản phẩm tham gia xét thưởng bốn huy chương vàng thì được miễn phí một sản phẩm (tương đương 25%). Giải thưởng này được giới thiệu sẽ do Bộ Công thương tổ chức xét thưởng và trao tại hội chợ.

Hồ sơ này cũng cam kết “Nếu xét thưởng không đạt, ban tổ chức sẽ hoàn trả lại 100% lệ phí xét thưởng”.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm