Không khỏi băn khoăn

Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và DN phát triển, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế đất nước cả ở hiện tại và tương lai.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng chúng ta không khỏi băn khoăn bởi những khó khăn, thách thức của hội nhập phía trước là không nhỏ; bởi mỗi bước tiến bộ của chúng ta vẫn chưa thể sánh được với những bước tiến dài và nhanh của thế giới; bởi nhiều DN chưa xây dựng và củng cố được khát vọng lớn mạnh, vươn cao, vươn xa hơn…

Một là lực lượng DN tư nhân Việt Nam tuy đông đảo nhưng chưa đủ mạnh và chưa đạt chuẩn quốc tế để tham gia hội nhập hiệu quả. Với tỉ lệ DN vừa và nhỏ chiếm tới 97%, tuy có sự phong phú, đa dạng và giải quyết tốt vấn đề việc làm cho xã hội nhưng thiếu các DN lớn, DN mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng để dẫn dắt cuộc chơi ngay tại thị trường trong nước cũng như tham gia cuộc chơi hội nhập. Liệu các DN có vượt qua được chính mình để vươn tới khả năng tham gia vào chuỗi giá trị hay chuỗi cung ứng toàn cầu hay không.

Hai là thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục phát triển, số lượng DN FDI không ngừng tăng nhanh nhưng vẫn tồn tại khoảng cách giữa các DN FDI và DN tư nhân trong nước; vẫn tồn tại “ranh giới” giữa hai cộng đồng DN trong một nền kinh tế, thiếu sự kết nối và hợp tác giữa hai khu vực DN này.

DN FDI là cầu nối giữa DN trong nước và sân chơi quốc tế, là cánh cửa để tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Vậy các DN trong nước phải làm gì để tự nâng cấp, đạt những tiêu chí có thể hợp tác với các DN FDI. Đồng thời, các DN FDI cũng cần thay đổi cách tiếp cận, theo hướng cởi mở hơn đối với DN trong nước, như chia sẻ, hợp tác về thông tin, công nghệ, thị trường, đào tạo, phương thức quản trị… thậm chí có hỗ trợ, giúp đỡ để các DN trong nước đạt chuẩn trong hợp tác. Có được sự hậu thuẫn ngay tại thị trường Việt Nam sẽ có lợi hơn là khép kín và trông đợi sự hậu thuẫn từ bên ngoài.

Ba là vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư đã trở thành bài học không chỉ đối với Nhà nước, xã hội mà còn đối với cả bản thân các DN. Quan tâm đến vấn đề môi trường ngay từ giai đoạn đầu tư dự án cho đến khâu vận hành là yêu cầu tiên quyết đối với một dự án đầu tư hiệu quả, bền vững và lâu dài. Đây chính là vấn đề cốt lõi của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bốn là nhờ những nỗ lực, quyết tâm cả của Chính phủ và cộng đồng DN, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh đã có cải thiện về thứ hạng. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN. Chúng ta vẫn đang đứng thứ 5/10 nước ASEAN, trong khi các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua và các nước xếp sau lại đang có những cải thiện vượt bậc. Nếu không có đột phá và tốc độ cải thiện nhanh, không những khó tiếp cận nhóm ASEAN 3 hoặc 4 mà thậm chí còn bị tụt lại phía sau.

Năm là hỗ trợ của Nhà nước để DN phát triển là cần thiết, nhất là các DN vừa và nhỏ. Quan điểm của Chính phủ hỗ trợ là “tạo con đường thuận lợi để đi” nhưng các DN cần “tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng bước nhanh đến đích”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, trong đó thể hiện mong muốn, tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ để DN lớn mạnh và phát triển, trở thành lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước; đồng thời cũng đề ra chủ trương và mục tiêu, lấy nội lực làm yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng, kết hợp hài hòa các nguồn lực để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm