Không ai cấm DN tự xưng tập đoàn kinh tế

Sản xuất máy tính FPT tại KCN Tân Bình - TPHCM. Ảnh: H. THÚY
Sản xuất máy tính FPT tại KCN Tân Bình - TPHCM. Ảnh: H. THÚY

. Phóng viên: Thưa ông, tại hội thảo Tập đoàn kinh tế diễn ra ngày 26-9, nhiều đại biểu đều cho rằng hiện nay đang thiếu một khung pháp lý cho sự hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi không nghĩ như vậy. Trên thế giới hầu như không có nước nào có pháp luật riêng về tập đoàn. Ở ta khi làm Luật Doanh nghiệp cũng đưa ra yêu cầu có pháp luật riêng về vấn đề này.

Chúng tôi đã thuê hẳn một chuyên gia pháp lý hàng đầu của thế giới (người kiêm nhiệm tư vấn hoạt động pháp lý cho Ngân hàng Thế giới lúc đó) đọc luật quốc tế hàng tháng trời để tham khảo nhưng cũng không thấy. Chỉ trừ Đức, Pháp là có quy định riêng về tập đoàn kinh tế.

Gần ta nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, hai nước có nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư vào ta cũng không có quy định riêng. Thế thì tại sao chúng ta lại phải có? Chỉ cần quy định trong Luật Doanh nghiệp và Luật Công ty là đủ.

Có hai nguyên lý cơ bản để hình thành tập đoàn kinh tế. Đó là trách nhiệm hữu hạn và cho phép công ty này đầu tư vào công ty khác bằng góp vốn mua cổ phần.

Tôi khẳng định hiện nay hệ thống pháp luật của ta về tập đoàn kinh tế tương đối đầy đủ và không cản trở sự hình thành và phát triển của các tập đoàn. Còn nó có phát triển thuận lợi hay không lại là chuyện khác.

. Nhiều ý kiến cho rằng việc hình thành tập đoàn kinh tế Nhà nước trong những ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay chủ yếu dựa trên mệnh lệnh hành chính, có thể tạo ra sự độc quyền?

- Xét về lý thuyết, tập đoàn kinh tế phải là quá trình nhiều pháp nhân độc lập kết dính lại trên cơ sở thống nhất về mặt sở hữu.

Muốn vậy, phải kiểm soát 3 vấn đề: tài chính, chiến lược và nhân sự. Ở các tập đoàn đa ngành thì chỉ cần kiểm soát tài chính. Chứ còn người ta cứ nói vấn đề là nắm thương hiệu, công nghệ... cái đó chỉ là thứ yếu.

Các doanh nghiệp Nhà nước không tích tụ tập trung theo cơ chế thị trường mà theo cơ chế hành chính nên đại diện chủ sở hữu không nắm được các “ông” bên dưới. Không kết dính được với nhau về mặt sở hữu có khi không bảo được nhau.

Điểm này khác với khu vực tư nhân, họ tự tìm cách liên kết với nhau và tìm mọi cách để không mất quyền kiểm soát các công ty con. Còn độc quyền hay không đã có Luật Kiểm soát độc quyền.

. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các tập đoàn kinh tế hiện nay, có phải đang có phong trào tự xưng danh tập đoàn kinh tế?

- Không ai cấm các công ty tự xưng là tập đoàn kinh tế. Nó hình thành đến mức nào thì xã hội thừa nhận chứ không phải pháp luật. Nhưng thế không phải là xấu. Chỉ có điều tập đoàn là nhiều pháp nhân thống nhất trong một tổ chức nên có thể trốn thuế, làm hại cổ đông thiểu số, thao túng thị trường.

Ngay cả sự hình thành tập đoàn kinh tế theo cơ chế hành chính cũng chưa có gì bất ổn, vì ở một thời điểm nào đó nó có vai trò nhất định với sự phát triển của nền kinh tế.

Phê duyệt phương án CPH Vietcombank

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo đó, Vietcombank sẽ tiến hành cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có. Ngoài ra, ngân hàng này còn được phát hành cổ phần thu hút thêm vốn theo nguyên tắc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối của Ngân hàng TMCP Vietcombank qua nhiều giai đoạn với tỉ lệ vốn Nhà nước giảm dần nhưng không thấp hơn 51% vốn điều lệ.

Tỉ lệ được phát hành IPO lần đầu được xác định: Giai đoạn 1, tổng khối lượng phát hành trong đợt đầu là 30% vốn điều lệ

Trong đó cổ phần bán đấu giá công khai trong nước là 6,5% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho CB-CNV và cho các đối tượng nắm giữ trái phiếu tăng vốn là 3,5% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước là 5% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa không quá 20% vốn điều lệ.

Giai đoạn 2, phát hành và niêm yết quốc tế không vượt quá 15% vốn điều lệ.

(Nguồn: TTXVN - Vneconomy)

Tô Hà<EM> ( Theo NLĐO)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm