Khóc ròng vì mỗi công ty chỉ được cấp 1 giấy đi đường

Ngày 25-8, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp (DN) trong thời gian TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội.

Theo VCOSA, từ ngày 23-8, hiệp hội này đã có công văn gửi đến Sở Công Thương TP đề nghị hỗ trợ DN hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy đi đường trong thời gian từ ngày 23-8 đến 6-9.

Người dân TP.HCM trình giấy đi đường cho lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tuy nhiên sau đó, ngày 24-8, Sở Công Thương có văn bản số 3996 về phân công cấp giấy đi đường cho DN sản xuất.

Trong đó sở đề nghị UBND các quận, huyện địa phương xem xét cấp giấy đi đường cho DN là các đối tượng thuộc nhóm “nhân viên các ngành phục vụ sản xuất”, còn sở chỉ cấp giấy đi đường cho các DN chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (DN dịch vụ logistics).

VCOSA cho biết khi DN chuyển hồ sơ về địa phương thì vẫn không được hỗ trợ hoàn tất vì nhiều nguyên nhân.

Chiều ngày 24-8, DN nhận được thông tin thành phố đồng ý giao cho Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) làm đầu mối cấp giấy đi đường cho đối tượng là người lao động của các DN hoạt động vừa sản xuất, vừa cách ly trong KCX, KCN thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tài chính.

Tuy nhiên, mỗi DN chỉ được cấp một giấy đi đường cho một người và chỉ sử dụng trên tuyến đường từ DN đến nơi giao dịch.

VCOSA cho biết điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các DN, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ. Đồng thời, DN phải đối mặt với tổn thất lớn như chi phí lưu kho bãi, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho khách hàng quốc tế.

Bên cạnh đó, hiện nay, DN xuất khẩu sợi đều phải thực hiện thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu và các nghiệp vụ liên quan bằng giấy (không có thủ tục online) và không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ thông qua các công ty dịch vụ logistics.

Để hoàn thiện bộ hồ sơ xuất nhập khẩu, các DN cần phải đăng ký chứng nhận xuất xứ nguồn gốc C/O tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hoàn thiện hồ sơ giám định, thực hiện thủ tục Hải Quan tại cụm cảng Cát Lái/ICD, thực hiện các nghiệp vụ liên quan vận đơn với các đơn vị hãng tàu, ngân hàng, gửi chuyển phát quốc tế chứng từ hàng xuất tại sân bay, chuyển mẫu kiểm nghiệm...

Để có thể tiếp tục sản xuất và thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đúng thời hạn, DN cần ít nhất ba giấy đi đường cho ít nhất ba nhân viên phụ trách tài chính/ngân hàng, xuất nhập khẩu/hải quan và vật tư phụ/thực phẩm. Trong đó không tính các tài xế cần được cấp giấy đi đường riêng.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện 3 tại chỗ, DN đã tiêu tốn thêm khoản chi phí lớn cho thực phẩm, điện nước sinh hoạt tăng cao, chi phí xét nghiệm, rủi ro lây nhiễm chéo, tinh thần người lao động bí bách...

Hiện tại DN chỉ tích trữ được một tuần và không được phép tận dụng khuôn viên cổng rào để hoạt động trong khi công ty không đủ diện tích vừa để chứa hàng hóa lại thêm lương thực, thiết bị phục vụ 3T.

"Trong bối cảnh đó, DN vẫn chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ Chính phủ, UBND TP.HCM. Sản xuất khó khăn, nợ ngân hàng không được cứu xét… DN thật sự rất khó khăn để chống đỡ và ổn định sản xuất ở mức tối thiểu" - VCOSA cho biết.

Vì vậy, các DN của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam kiến nghị các cơ quan xem xét và hỗ trợ kịp thời để DN có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm