Khách đến mua sắm đông nhưng siêu thị vẫn than lỗ

Theo đại diện Aeon Việt Nam, từ đầu tháng 8 đến nay, sức mua của người dân bắt đầu hạ nhiệt và duy trì ổn định.

Nguyên nhân một phần do người dân đã dần quen với việc dùng phiếu đi chợ, luân phiên theo ngày và cũng không còn tích trữ nhiều. Ngoài ra, so với tháng 7, một lượng lớn người lao động đã rời TP.HCM và trở về các tỉnh thành khác.

Cũng theo đại diện Aeon Việt Nam, được sự chấp thuận của UBND TP.HCM và sự hỗ trợ của Sở Công Thương TP.HCM về các quy định mới, từ 16-8 siêu thị Aeon Tân Phú và Aeon Bình Tân đã điều chỉnh giờ hoạt động mở cửa sớm hơn từ 7h30 và đóng cửa muộn hơn, vào lúc 16h30.  

5% nhân sự của siêu thị được cấp phép đi làm trong khung giờ 18h đến 6h sáng hôm sau. Tuy nhiên tại một số khu vực “vùng xanh” hiện chỉ có nhân viên y tế … được phép ra khỏi khu vực, chưa bao gồm nhân viên các hệ thống siêu thị.

Aeon Việt Nam kiến nghị lực lượng chức năng có sự phối hợp đồng bộ để tạo điều kiện cho nhân viên hệ thống siêu thị được phép di chuyển để thực hiện công tác cung cấp dịch vụ và sản phẩm thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố cho phép các shipper của các ứng dụng giao hàng được hoạt động liên quận, giúp các siêu thị tăng năng lực cung ứng, phục vụ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên thực tế, số lượng shipper vẫn còn hạn chế nên việc giao hàng bằng xe máy vẫn còn gặp khó khăn.

Người dân không còn đi siêu thị tích trữ nhờ các điểm bán hàng lưu động.

Song song đó, từ 20-22/8, Aeon Việt Nam sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng từ Đắk Lắk tại các siêu thị phía Nam, dự kiến sản lượng khoảng 1 tấn/ngày/siêu thị.

Trong quá trình làm việc với nhà cung cấp và các tỉnh, thành, Aeon Việt Nam nhận thấy lưu thông, vận chuyển giữa địa phương, các thành phố có siêu thị Aeon là khó khăn lớn nhất để thúc đẩy tiêu thụ nông sản hiện nay.

Bên cạnh đó, hiện nay số lượng khách mua sắm tại các siêu thị cũng hạn chế, sức mua không cao do các quy định giãn cách, mua hàng theo tem phiếu khi trước đây được mua hai lần/ tuần nay người dân chỉ được đi siêu thị một lần/tuần.

Để tháo gỡ khó khăn về vận chuyển, Aeon Việt Nam kiến nghị các tỉnh thành hỗ trợ, chủ động vận chuyển và tập kết hàng hóa tại một khu vực trong địa phận TP.HCM (tạm gọi là vựa), các hệ thống siêu thị sẽ nhận hàng tại vựa, vận chuyển về kho và bán hàng.

“chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, chung tay cùng người dân và chính phủ Việt Nam trong hoạt động tiêu thụ nông sản, gỡ khó cho người nông dân nói riêng và công cuộc phòng chống dịch COVID-19, hồi phục kinh tế nói chung” đại diện Aeon Việt Nam nhấn mạnh.

Tương tự, đại diện Saigon Co.op cho biết, kể từ khi dịch bùng phát đơn vị đã cố gắng, thậm chí bù lỗ để giữ và giảm giá nhằm hỗ trợ người dân mua sắm tiết kiệm, yên tâm cùng cả nước chống dịch.

Saigon Co.op dù âm thầm chịu lỗ nhưng vừa giảm giá hơn 2.000 nhu yếu phẩm

Điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị  thấp hơn giá mua vào. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí phát sinh như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, phí shipper giao hàng tăng cao.

Cùng hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm, …. khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.

Mặt khác, dù thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng thì siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm.

Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt …. 

“Tuy còn nhiều khó khăn đơn vị vừa giảm giá hơn 2.000 sản phẩm nhu yếu và trong tháng cao điểm tiếp theo chúng tôi vẫn nỗ lực giữ và giảm giá hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân” đại diện Saigon Co.op nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm