Kêu trời vì kiểu làm ăn 'lạ đời' của thương lái TQ

Ngày 19-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ tổ chức tọa đàm Làm thế nào để kinh doanh hiệu quả với thị trường Trung Quốc.

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng theo quan sát của ông trong hai năm trở lại đây, nhất là ba tháng đầu năm nay thấy ngạc nhiên trước sự tăng trưởng mạnh của thị trường Trung Quốc trong việc nhập khẩu bốn nhóm hàng nông sản của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trái cây, lúa gạo, tôm và cá tra.

Riêng đối với con cá tra thì hiện nay Trung Quốc đã giành vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Dũng nhận xét: “Chúng ta đang làm ăn với người Trung Quốc nhưng lại không hiểu lắm tập quán thị trường, hành vi của người Trung Quốc. Cách nào đó chúng ta đang chịu tác động lớn của nhà nhập khẩu Trung Quốc nhưng lại không hiểu về thị trường này”.

TS Võ Hùng Dũng (giữa) cho rằng DN ở ĐBSCL đang ngày càng có nhiều mối quan hệ làm ăn với thị trường Trung Quốc nhưng lại chưa hiểu lắm về thị trường này. Ảnh: N.NAM

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An nêu một vấn đề mà khá nhiều DN từng vướng khi làm ăn với Trung Quốc mà vị này gọi là "làm ăn kiểu chộp giật". Cụ thể là thương nhân Trung Quốc khi đàm phán mua gạo với DN ở Long An thì trả giá rất cao nhưng khi gạo sang đến biên giới thì họ lấy lý do rằng giá gạo trong nước đang giảm để ép DN Việt Nam phải hạ giá hoặc hủy đơn hàng. Mà gạo đã chở từ trong này ra ngoài đó tốn kém chi phí không lẽ lại mang về nên đành bấm bụng chịu giảm giá…

Ông Lại Khắc Chiến, Giám đốc chi nhánh chế biến và xuất khẩu lương thực Đồng Tháp, cho biết hai vấn đề cốt lõi trong làm ăn với Trung Quốc là hai bên phải sòng phẳng thông tin để tránh xảy ra tranh chấp sau này.

Thứ hai, về phương thức thanh toán đảm bảo quyền lợi là phải qua ngân hàng, chắc chắn nhất là mở L/C không hủy ngang, hoặc họ không mở L/C thì phải yêu cầu họ đặt cọc trước 20% giá trị đơn hàng để khi hàng ra đến biên giới mà họ đòi giảm giá thì mình đã nhận trước 20% nên họ không dễ “xù” mình được.

Ngoài ra, ông Chiến cho biết chính DN trong nước cũng phải chọn chữ tín, làm ăn nghiêm túc thì mới buộc người ta nghiêm túc lại với mình được.

Còn ông Phan Hoài Phong (đến từ cơ sở Hương Miền Tây, chuyên xuất khẩu bưởi da xanh ở Bến Tre) cho biết trong năm 2016 cơ sở này đã đón tiếp tiểu thương Trung Quốc đến tham quan, tìm hiểu “nhiều không tưởng tượng nổi”, tới 14-15 đoàn mỗi ngày.

Ông Phan Hoài Phong phát biểu tại tọa đàm ngày 19-5. Ảnh: N.NAM

Theo ông Phong, làm ăn với Trung Quốc thì vấn đề tiền bạc phải sòng phẳng. Kinh nghiệm của cơ sở Hương Miền Tây là trước mỗi đơn hàng, thương nhân Trung Quốc phải đặt trước 50% giá trị. Khi hàng đóng vào container thì phải giao đủ tiền xe mới lăn bánh.

“Có trường hợp họ viện cớ là ngày cuối tuần ngân hàng không làm việc nên xin cho hàng cứ vận chuyển đến thứ hai họ sẽ thanh toán qua ngân hàng nhưng chúng tôi không chịu. Chúng tôi nói, cuối tuần thì các anh cứ nghỉ lại đây đợi đến đầu tuần thanh toán xong thì xe sẽ di chuyển. Họ cảm thấy ăn gian không được thì họ sẽ không làm nữa” - ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Phong, cơ sở này “lâu lâu cũng có một vài đối tác tới đặt một, hai container mà lại yêu cầu bưởi non thay vì bưởi chín thì chúng tôi cũng kiên quyết nói không làm với họ. Hoặc, có khi họ yêu cầu dán tem có hình bản đồ Việt Nam mà không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi bảo làm vậy là vi phạm quy định nhà nước nên chúng tôi cũng không làm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm