Jetstar Pacific Airlines bị “cấm” 10 điểm bay quốc tế

Lý do mà Cục từ chối là hãng hàng không này chưa đáp ứng được yêu cầu về bộ máy điều hành theo đúng quy định Luật Hàng không Việt Nam (không được quá 1/3 người nước ngoài tham gia bộ máy điều hành).

Ngoài ra, Cục Hàng không còn không cho phép JPA sử dụng các biểu tượng “chữ JET và ngôi sao màu vàng cam” và chữ “Jetstar ngôi sao màu vàng cam” trong khai thác và vận chuyển hàng không. Lý do là giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mà Bộ Giao thông Vận tải cấp ngày 15-9-2008 cho JPA chưa có quy định về biểu tượng.

Trong thời gian chờ đợi đáp ứng đủ các điều kiện về tỷ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành thì hãng này chỉ được bay tới bốn điểm đã được cấp phép từ trước gồm Bangkok (Thái Lan); Phnom Penh, Xiêm Riệp (Campuchia) và Singapore.

Phía JPA lại cho rằng việc Cục Hàng không không cấp thương quyền bay quốc tế cho hãng là không có cơ sở. Lý do JPA đưa ra là trong giấy phép kinh doanh hãng được phép kinh doanh cả đường bay nội địa và quốc tế.

Ngày 20-11, JPA đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, JPA cho rằng Cục Hàng không không có chức năng quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Việc cho phép hay ngăn cấm một doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu phải được căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ và các cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, các quy định về nhãn hiệu cũng được quy định bởi Luật Sở hữu trí tuệ chứ không phải Luật Hàng không.

Ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Công ty luật Phạm và cộng sự, đại diện của JPA, cho rằng việc cấp thương quyền bay quốc tế cho JPA không chỉ tạo cho hãng các điều kiện cần thiết đảm bảo quyền kinh doanh mà còn để các hãng hàng không Việt Nam cạnh tranh bình đẳng. Hiện tại, trên các đường bay này hầu hết đều có ít nhất hai hãng hàng không của nước đối tác hoạt động, trong khi đó ở Việt Nam chỉ có Vietnam Airlines.

Liên quan đến tỷ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành, ông Vinh cho biết việc JPA sử dụng thương hiệu Jetstar trong kinh doanh và thuê Jetstar Airways cung cấp một số dịch vụ kinh doanh trong hoạt động là theo đúng thông lệ quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam. Không có bất kỳ một dấu hiệu nào có thể coi là cơ sở cho những lo ngại về tính hợp pháp của JPA trong việc sử dụng thương hiệu Jetstar của Jetstar Airways cũng như không có cơ sở cho những quan ngại về việc JPA có thể bị “nước ngoài thôn tính”. Điều này dựa trên cơ sở luật pháp Việt Nam đã quy định rõ tỷ lệ tham gia vốn của một nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% và của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ của hãng hàng không. Hiện Tập đoàn Qantas - chủ sở hữu thương hiệu Jetstar đang nắm giữ 18% vốn của JPA và cam kết sẽ nâng lên 30%.

Trước quyết định của Cục Hàng không, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đơn vị chiếm cổ phần chi phối 81% vốn của JPA cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem lại quyết định không xem xét chỉ định và cấp quyền mở đường bay quốc tế mới đối với JPA.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm