'Hướng tới cán cân thương mại hài hòa với Mỹ'

Ngày 7-1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Giải phóng sức sản xuất, cởi trói cho doanh nghiệp 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có tăng trưởng thuộc nhóm cao của thế giới, xếp thứ tư trong ASEAN. Trong kết quả chung đó, Thủ tướng đánh giá có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương.
Thủ tướng biểu dương công tác cải cách hành chính của ngành đạt kết quả tốt, nhiều thủ tục hành chính rườm rà được cắt giảm, qua đó giải phóng sức sản xuất, cởi trói cho doanh nghiệp và người dân. 
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được giữ vững. Xuất siêu năm 2020 đạt 19,1 tỉ USD, cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Ngành cũng xử lý tốt các vấn đề xảy ra tại thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, nhất là hàng hóa phòng chống dịch, tạo được niềm tin cho người dân.
“Tôi nhớ khi kiểm tra tình hình hạn mặn tại Bến Tre và trên đường di chuyển về TP.HCM thì bệnh nhân (COVID-19, PV) số 17 xuất hiện. Hà Nội rỉ tai nhau tình hình rất xấu, mỗi nhà mua 5 tạ gạo. Tôi đã điện cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và quyết định các siêu thị tại Hà Nội sẽ bán hàng cả đêm để chứng minh nguồn hàng của chúng ta kìm được giá, không để lạm phát. Từ đó người tiêu dùng rất tin tưởng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì nguồn dự trữ của chúng ta vẫn luôn đảm bảo” - Thủ tướng chia sẻ.
Liên quan vấn đề thương mại với Mỹ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Việt Nam quyết tâm cùng với Mỹ triển khai kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết Bộ Công Thương ngày 7-1. Ảnh: VGP

“Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho hay trước đó, ngày 22-12-2020, ông đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề nghị không áp thuế với Việt Nam vì lý do cơ cấu sản phẩm, tiêu dùng của từng nước. Ngày 6-1 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vấn đề trên.
Trong tối 7-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng điện đàm với trưởng Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nhằm trao đổi thông tin, hiện thực hóa những nội dung mà hai nhà lãnh đạo đã trao đổi. Qua đó nhằm tiến tới việc Mỹ xóa bỏ vụ việc này (Việt Nam mới đây bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ - PV), tránh những hệ quả xấu cho thương mại lẫn đầu tư. 

Chưa có nhiệm kỳ nào mà Việt Nam ký được bốn hiệp định thương mại lớn như nhiệm kỳ này, bao gồm hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Toàn ngành phải lo phục vụ tết cho người dân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành công thương. Đơn cử như lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả chứ chưa dựa trên giá trị, chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa hiện diện trên bản đồ thế giới.
“Ví dụ như sâm Ngọc Linh của Việt Nam vẫn mới quanh quẩn ở vài nơi, trong khi sâm Hàn Quốc chất lượng không bằng đã phổ cập ở nhiều nơi trên thế giới” - Thủ tướng lấy dẫn chứng.
Về định hướng trong năm 2021, Thủ tướng yêu cầu ngành công thương hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo dõi sát các diễn biến, tình hình để có đối sách phù hợp. Không chỉ phát triển thị trường ngoài nước, Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành phải chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
“Năm 2021, Quốc hội giao tăng trưởng đạt 6%, Chính phủ nâng lên tăng trưởng 6,5% với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Cỗ xe tam mã này vẫn tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn. Tôi đề nghị ngành công thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu toàn ngành công thương phải lo phục vụ tết cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là vùng sâu, vùng xa các trung tâm lớn. Đặc biệt, toàn ngành công thương phải lo phòng, chống dịch COVID-19 cho tốt, trong toàn ngành không ai bị mắc COVID-19.

Bánh sôcôla không phải cõng 13 giấy phép

'Hướng tới cán cân thương mại hài hòa với Mỹ' ảnh 2
Năm 2020, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức 
tăng trưởng dương. Ảnh: AN HIỀN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đơn vị này thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương trong cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử. 

Trong thời gian đầu của năm 2018, có một rừng thủ tục gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Khi đó Bộ Công Thương là bộ tiên phong, cùng với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT xây dựng Nghị định 08 cắt giảm 95% thủ tục hành chính liên quan đến an toàn thực phẩm. 

“Sau khi tháo gỡ, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu rất tốt. Ví dụ như sản xuất một cái kẹo sôcôla phải cõng 13 cái giấy phép nhưng đến thời điểm này không có giấy phép nào cả. Lúc đó Bộ Công Thương cũng là bộ tiên phong cho phép các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn và tự công bố chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Dũng dẫn chứng. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm