Họp khẩn đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế VN

Chiều 26-2, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản... dự kiến sẽ khiến kinh tế thế giới bị ảnh hưởng ngày càng nặng hơn.

Dịch bệnh khiến tổng mức bán lẻ thấp nhất trong nhiều năm

Thông tin tại cuộc họp, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương, cho biết số liệu 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 không mấy khả quan. Nguyên nhân, do kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tác động.

Các đơn vị của Bộ Công Thương báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam. Ảnh: AH

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 6,2%, giảm 3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, chịu tác động nhất là ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 7,4%, so với cùng kỳ giảm 4%; sản xuất và phân phối điện giảm so với cùng kỳ 1%, khai khoáng giảm 1,6%.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cũng đánh giá do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường trong nước có những tín hiệu tiêu cực. Tổng mức bán lẻ hai tháng đầu năm tăng 8,3%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dự báo mức bán lẻ năm 2020 chỉ tăng trưởng khoảng 10%. Trong đó, quý I-2020 chịu tác động lớn nhất do nghỉ tết dài và tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Mức phạt với người đi xe uống rượu, bia khiến doanh số các nhà hàng ăn uống giảm rõ rệt.

Bà Hiền cho biết diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế khiến các nước như Trung Quốc, Thái Lan... đã triển khai các gói kích cầu hỗ trợ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong cuộc họp mới đây do Thủ tướng Chính phủ chủ trì thì kết luận chưa nhất thiết phải có gói kích cầu hỗ trợ.

Ông Đông cho rằng dù Thủ tướng Chính phủ chưa đưa ra gói kích cầu như nhiều nước nhưng với tình hình dịch bệnh lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực hơn thì Bộ Công Thương cần xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét gói kích cầu như các nước.

Ông cũng đưa thêm các giải pháp ngắn hạn là trong lúc hàng nông sản bị ảnh hưởng khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì cần cân nhắc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan với một số hàng nông sản.

Còn về lâu dài, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng cần tập trung liên kết chuỗi. Theo đó, hệ thống bán lẻ lớn trong nước sẽ làm việc trực tiếp với các hợp tác xã sản xuất, người nông dân để đặt hàng. 

Xây dựng ba kịch bản "tốt, xấu, rất xấu" để kịp ứng phó

Đánh giá về các thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, cho biết hiện Hàn Quốc đã xuất hiện dịch, tuy nhiên tác động của dịch COVID-19 chưa nhiều mà vẫn chủ yếu chịu tác động từ thị trường Trung Quốc.

Xét về lâu dài, vẫn phải tính đến ảnh hưởng trong kịch bản xấu ở cả xuất khẩu và nhập khẩu. Về xuất khẩu, Hàn Quốc đang tiêu thụ 3,1 tỉ USD hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại của Việt Nam. Về nhập khẩu thì linh kiện điện tử nhập từ thị trường này chiếm 11,7 tỉ USD, chiếm 40% trong sản xuất. Do đó, nếu kịch bản xấu hơn nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ví dụ như Samsung và các doanh nghiệp khác của ta.

Bên cạnh những diễn biến xấu, ông Sơn cũng đưa ra một vài tín hiệu lạc quan. Đó là hiện Trung Quốc có 16/31 tỉnh, thành phố đã hạ cấp ứng phó dịch bệnh. Trung Quốc có 4 cấp ứng phó dịch bệnh thì nay đã có 16 tỉnh hạ cấp ứng phó xuống cấp 2, cấp 3. Trong đó, hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam có đường biên giới với Việt Nam đều đồng loạt hạ xuống cấp 3 từ ngày 1-4.

"Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất công nghiệp đang lo lắng về vận tải đã có phần giảm bớt, nhất là khâu thông quan, việc ngăn trở đi lại sẽ dần xóa bỏ. Do đó, việc thông thương, logistics, giao hàng sẽ thuận lợi hơn, giảm bớt cơn khát về nguyên liệu sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nước ta" - ông Sơn nói.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: AH

Một tín hiệu tích cực khác là hiện một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã cho người lao động đi làm trở lại, năng lực sản xuất đang dần hồi phục trở lại. Tỉnh Chiết Giang đã hồi phục năng lực sản xuất khoảng 90%; Giang Tô, Lưu Ninh, Sơn Đông, Phúc Kiến, Quảng Đông... hơn 70%. Đồng thời, ngành đường sắt, hàng không dân dụng bắt đầu vận chuyển trở  lại. Các mỏ than, khai thác năng lượng cũng hoạt động trở lại.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tổng thể cả nền kinh tế, đảo lộn xã hội.

Về giải pháp phi thuế quan, thứ trưởng cho rằng phải đánh giá thật kỹ những mặt được và mất. Đối với gói kích cầu hỗ trợ kinh tế, thứ trưởng cũng nêu quan điểm nên dành cho doanh nghiệp trong nước, vì những doanh nghiệp này vốn đang rất yếu. Đừng để khi doanh nghiệp quá yếu mới hỗ trợ, vì lúc đó không còn tác dụng nữa.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc bộ bám sát diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp. Từ đó, các đơn vị có đánh giá cụ thể về tác động của dịch bệnh đối với từng ngành hàng cụ thể, nhất là các ngành sản xuất công nghiệp, đánh giá cả những nguy cơ tác động có thể xảy ra trong tương lai trong bối cảnh các nước có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

"Phải đánh giá cho được diễn biến dịch và tình hình của nền kinh tế để xây dựng các kịch bản tốt, xấu, rất xấu. Kịch bản tốt là dịch bệnh có thể được kiểm soát trong quý I-2020; kịch bản xấu là chúng ta chưa tính được hết đỉnh điểm dịch bệnh và dịch bệnh có thể kéo dài hết năm 2020 và lây lan ra nhiều nước; kịch bản rất xấu là có những dự đoán chưa lường hết được. Từ các kịch bản này đưa ra tác động tới nền kinh tế, ngành công nghiệp của chúng ta như thế nào để có giải pháp cụ thể, chính xác" - bộ trưởng nói.

Cạnh đó, bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tìm kiếm nguồn cung để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để thống nhất trong đánh giá, xây dựng kế hoạch, giải pháp và cách phối hợp, đảm bảo trúng mục tiêu, trúng đối tượng...

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các ngành công nghiệp như điện, điện tử, dệt may, da giày, túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô... đang bị ảnh hưởng. Nguồn cung nguyên vật liệu và linh phụ kiện đầu vào sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang thiếu hụt, chỉ đủ sản xuất đến tháng 3, tháng 4-2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm dừng sản xuất là rất lớn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm