Hợp đồng của Gia Hân và Global Home rất... yếu!

Ông Nguyễn Hữu Phong, Phó Chủ tịch hội, cho biết gần đây có nhiều tranh chấp trong thương mại đồ gỗ. Trong đó có Công ty Gia Hân và Công ty Đông Hưng. Công ty Gia Hân tuy không là thành viên HAWA nhưng đây là kinh nghiệm cần chia sẻ chung.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện Gia Hân, chia sẻ từ năm 2012 đã giao dịch với Global Home. Đến tháng 4-2015, Global Home trễ chi trả nên đã gửi email để đòi tiền thì được trả lời là đã nhận hàng và tiếp tục lấy hàng vào tháng 5,6,7 và vẫn không trả tiền. "Cuối tháng 7 thì có email hẹn gặp mặt, chỉ mấy tiếng sau lại cho rằng chúng tôi không hợp tác vì không xác nhận email" - ông Ngọc kể.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, hỗ trợ pháp lý cho Gia Hân, cho biết hợp đồng đã ký là hợp đồng khung, có rất nhiều điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt, chỉ định Trung tâm Trọng tài tại Hong Kong. Theo đó, Global Home toàn quyền kiểm soát chất lượng, trong đó có rất nhiều quy trình kiểm soát chất lượng. Đơn hàng này thường bằng email, đơn nào chuyển đi là có đơn hàng mới đến ngay nhưng 30 ngày sau mới trả tiền. Hiện nay số nợ Gia Hân đã lên đến 493.000 USD.

Ông Truyền chia sẻ thêm khi làm việc với Global Home có một rủi ro là "niềm tin". Khi Gia Hân thi công tại xưởng luôn có 2-5 người của Global Home trực tiếp tại xưởng cùng làm, cùng kiểm tra chất lượng và cùng giao hàng đi.

Chưa kể, khi đề nghị thanh toán thì Gia Hân vẫn hay bị chậm trễ vì lý do ông chủ Global Home thường xuyên đi các nước, hẹn nhau rất khó. Và có những lần Global Home gửi email về việc sắp xếp lịch làm việc với Gia Hân nhưng email đó lại đề nghị xác nhận lại bằng email và được gửi đến theo giờ Việt Nam khoảng ... 5 giờ sáng. Và khoảng 3 giờ sau, Gia Hân lại nhận được email thông báo hủy buổi làm việc do Gia Hân không xác nhận trả lời email. Và theo thông lệ thương mại quốc tế, việc không hợp tác như thế này là rất bất lợi.  

Ông Nguyễn Liêm (Công ty Lâm Việt) chia sẻ kinh nghiệm là DN cần chú ý nguyên liệu, sơn, phụ kiện kèm theo. Ngành gỗ hay bị nhất là sơn. Nếu gọi là gỗ ưu việt cỡ nào mà bắt bẻ chất lượng thì không xuất xưởng được vì lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Phải thỏa thuận tỉ lệ lỗi bao nhiêu là được chấp nhận. Thêm vào đó, cần xác nhận về mẫu mã bao bì để tránh tranh chấp.

"Kinh nghiệm của tôi là chỉ dành 30% công suất cho khách hàng chủ chốt thôi, không tập trung hết cho họ. Không gom trứng vào một rổ để tránh rủi ro, khi họ có vấn đề lấn cấn về tiền bạc thì mình cũng không quá lệ thuộc, không phải cố làm tiếp vì sợ buông ra thì biết làm gì!" - ông Liêm nói.

Ông Đỗ Quốc Mạnh thì cho rằng DN phải có người am hiểu về ngoại thương. Đặc biệt, hợp đồng vào trăm ngàn USD trở lên thì phải có luật sư. Về kiểm tra chất lượng, ông Mạnh lưu ý: Người kiểm tra chất lượng đến thì chúng ta làm gì? Ta phải ký biên bản với họ. Gia Hân có làm không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm