Họp báo 'nóng' về hàng ngàn xe chở hàng Việt ùn ứ ở cửa khẩu

15 giờ chiều nay, 21-12, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức buổi họp báo thông tin về các hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía bắc.

Xuất khẩu giảm mạnh vì ùn ứ

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến sáng ngày 21-12, tổng lượng xe tồn tại ba khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn là 4.461 xe (giảm 137 xe so với ngày 20-12).

Đồng thời, theo thông tin Tổng Lãnh sứ quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc tính đến ngày 16-12 tại phía bên kia Trung Quốc, lượng phương tiện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng tồn 2.400 xe.

Tổng cục Hải quan tổ chức buổi họp báo thông tin về các hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía bắc. Ảnh: CHÂN LUẬN

Kim ngạch chung xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ 1-12 đến hết ngày 15-12 chỉ đạt 121, 65 triệu USD giảm 40,5% so với cùng kỳ tháng 11-2021 và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Quảng Ninh, khu vực cầu Bắc Luân II và lối mở Cầu phao Km 3+4 thuộc thành phố Móng Cái đang tồn 346 xe hàng. Khu vực phía cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc): dự kiến có 289 xe của Việt Nam đã làm thủ tục xuất cảnh sang Đông Hưng - Trung Quốc để nhận hàng chở về Việt Nam. Do thông báo của chính quyền Đông Hưng- Trung Quốc nên chưa làm thủ tục nhập cảnh về Việt Nam, còn lưu giữ tại bên Đông Hưng- Trung Quốc.

Tại khu vực Lối mở Cầu phao Km3+4 hàng hóa vẫn lưu thông ổn định, tuy nhiên lượng hàng hóa tồn đọng còn rất lớn. Đến nay, lượng xe tồn tại khu vực này là 1.188 xe, chủ yếu là hàng thủy hải sản đông lạnh (940 xe), còn lại là hàng nông sản (248 xe).

Đối với tỉnh Lào Cai, phía Trung Quốc thông báo đóng cửa khẩu Bắc Sơn là cửa khẩu đối đẳng với cửa khẩu Kim Thành- Lào Cai và kiểm soát chặt đối với hàng nông sản của Việt Nam.

Nguyên nhân do phát hiện dịch bệnh Covid-19 trên xe chở hàng lạnh (xe thanh long) từ ngày 18-7. Từ ngày 28-8 các mặt hàng chuối xanh, mít được xuất khẩu trở lại. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu không dồn về các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai từ trước nên hiện tại không xảy ra tình trạng hàng xuất khẩu bị ách tắc, ùn ứ tại địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tổng hợp và đánh giá về kim ngạch xuất khẩu giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Các địa phương khác như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn không cao. Mặc dù có việc tăng cường kiểm soát của dịch Covid- 19 từ phía Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng lớn đến tốc độ thông quan hàng hóa trên địa bàn. Đặc biệt dọc tuyến biên giới Hà Giang tại các cửa khẩu Xí Mần, Săm Pun, Phó Bảng phía Trung Quốc cho xây hàng rào kiên cố hàng hóa không qua lại được.

Trung Quốc tạm dừng thông quan ở cửa khẩu Đông Hưng từ 0h ngày 21-12

Nguyên nhân của tình trạng ùn tắc, Tổng cục Hải quan cho biết là do Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Điều này dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường như…

Đặc biệt có địa phương, cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn. Trong đó yêu cầu  thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh- Pò Chìa và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan.

Việc thay đổi theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 02 mũi vắc xin và thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 03 ngày/lần.

Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cho biết chính quyền thành phố Đông Hưng có thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng (gồm cả khu mậu dịch cặp chợ biên giới)từ 0h ngày 21 tháng 12 năm 2021, thời gian thông quan cụ thể sẽ có thông báo sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm