Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G7

Ngoài Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7, còn có đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ủy ban châu Âu.

Cách đây khoảng 1 năm (14-2-2009), Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 đã nhóm họp tại Italia để soạn thảo những quy định chung nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, cũng như đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Với tư cách chủ nhà, Bộ trưởng Tài chính Jim Flaherty khẳng định, mục tiêu của hội nghị lần này là xem xét những biện pháp nhằm giúp duy trì đà phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế vẫn đang có những xáo trộn mới và khó lường.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G7 ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner (trái) và Bộ trưởng Tài chính Nhật Naoto Kan (phải)

Giới chuyên môn cho rằng, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 đã và đang thương đàm về những giải pháp nhằm hồi phục nền kinh tế toàn cầu, tình trạng nợ công tăng vọt tại các nước khu vực đồng Euro, cũng như các quy định mới về ngân hàng, tỷ giá hối đoái và xóa giảm nợ cho Haiti. Những quan chức kể trên cũng xem xét tới thời điểm thích hợp ngừng các gói kích thích, hỗ trợ kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, cũng như những biện pháp nhằm cân đối tổng nợ của các nước (đã lên tới hơn 30.000 tỉ USD).

Bộ trưởng Tài chính Jim Flaherty cũng nhấn mạnh, tỷ giá của đồng nhân dân tệ không những là vấn đề của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), mà còn là mối quan ngại của G7 bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhiều nước phương Tây cho rằng, đồng nhân dân tệ đang được định giá thấp hơn giá trị thực so với đồng USD, và điều này đã tạo nên lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc khi xuất khẩu khiến thặng dư thương mại của quốc gia hơn 1,3 tỷ dân tăng mạnh trong những năm qua. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2009, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã đạt con số 196,1 tỉ USD. Điều đáng nói là việc này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, cũng như sự phục hồi tài chính của G7 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan.

Trước khi khai mạc hội nghị, ngày 5-2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Nhật Naoto Kan. Lãnh đạo tài chính 2 nước đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có vai trò của việc tái cân bằng và nỗ lực chung nhằm duy trì và thúc đẩy tiến trình phục hồi của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Ông Timothy Geithner và ông Naoto Kan cũng đề cập tới cuộc cải cách tài chính tổng thể trong khuôn khổ hợp tác với G7, G20 và Quỹ bình ổn tài chính…

Theo nhận định của giới kinh tế, thị trường tài chính quốc tế có thể lại rơi vào trạng thái tương đối hỗn loạn trong năm 2010 bởi những khoản nợ chính phủ khổng lồ. Được biết, nợ công của các quốc gia phương Tây diễn ra khá nghiêm trọng. Nhưng theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới được công bố hôm 5-2, viễn cảnh phục hồi kinh tế của hầu hết các nền kinh tế chính trên thế giới đều được cải thiện.

Theo Phương Anh (báo CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm