Hoảng loạn sau cú điện thoại lạ dọa 'tống vào tù, thủ tiêu'

Chị K. kể khoảng 14 giờ chiều 2-10, khi đang trong phòng làm việc thì chị nhận được cuộc điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên bưu điện tại Đà Nẵng.

"Người này nhã nhặn hỏi thông tin họ tên của tôi, số CMND và địa chỉ cư trú. Nghe xong tôi xác nhận với người này đúng là thông tin của mình, người này cho hay bưu điện Đàn Nẵng có trách nhiệm thông tin đến chị về kiện hàng hiện đang bị công an Đà Nẵng niêm phong do phát hiện bên trong nghi chứa ma túy.

Người này tiếp tục nhã nhặn cho hay mình sẽ nối máy giúp với công an Đà Nẵng, nơi đang giữ kiện hàng để chị K. trao đổi trực tiếp với cơ quan này để làm rõ nghi vấn có hay không có ma túy trong kiện hàng để khách hàng minh oan.

"Khi nghe người này nói xong tôi rất bình thản vì mình không gửi hàng cho ai thời điểm đó, càng không thể có ma túy nên tôi ngần ngại để đối chất", chị K. nói.

Gần như tức thì nhân viên bưu điện này nối máy, đầu máy kia giọng một người đàn ông trung niên giới thiệu là đại tá phụ trách điều tra tại Đà Nẵng, người này cũng giọng điềm đạm hỏi họ tên, CMND và mở loa ngoài cố tình để chị K. nghe và hỏi một người đàn ông bên cạnh nói là phụ trách điều tra vụ việc có về thông tin hồ sơ liên quan đến chị K.

Ngay tức thì người đàn ông ngồi kế bên ngồi vanh vách báo cáo vụ việc và cho rằng trong kiện hàng của chị K. có giấu ma túy. 

Ngoài gọi điện ban đầu nhã nhặn, sau đó lên giọng gắt gỏng, đe dọa nạn nhân buộc phải đóng tiền vào tài khoản để "minh oan' do liên quan đến các đường dây ma túy xuyên quốc gia. Tin nhắn nhân vật cung cấp.

"Nghe họ lạnh lùng nói một lèo như luận tội nhưng lúc đó tôi vẫn không mảy may để ý lắm. Họ hỏi tôi cam kết bao nhiêu phần trăm mình không liên quan đến lô hàng nói trên. Tôi nói 100%.

Lúc đó, người xưng là phụ trách làm án, yêu cầu tôi tìm chỗ kín đáo để trao đổi thêm, họ dặn không được tiết lộ cho ai biết về cuộc nói chuyện này nếu bị tiết lộ ra bên ngoài dù là chồng, con cũng bị phạt tù 3-5 năm tù do làm tiết lộ bị mật quốc gia", chị K. thuật lại.

Chị K. bảo nghe đến đây tôi bắt đầu tá hỏa vì họ nói liên quan đến tù tội, "thần hồn nát thần tính" tôi bước vào toilet khóa cửa bên trong như họ yêu cầu. Vị xưng là phụ trách làm án, nói thẳng hiện đã có lệnh bắt tạm giam nhưng cấp trên chưa ký với lý do muốn chị "thành khẩn" hợp tác và vụ án nghiêm trọng liên quan đến đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia có đồng bọn theo dõi thủ tiêu để bịt đầu mối.

Người này còn bật mí hiện đã cử công an đến bảo vệ vòng ngoài nên chị yên tâm, còn nhất cử nhất động không hợp tác sẽ phối hợp công an tại TP.HCM đến áp tải ra Đà Nẵng ngay. Lúc đó khoảng 15 giờ chiều.

Lúc đó tôi bắt đầu hoang mang, người tự xưng là công an phụ trách án bắt đầu lớn giọng yêu cầu tôi khai báo công việc, thu nhập, tài khoản ngân hàng, nhà cửa, đất đai,...

"Tôi nghe vị này đanh giọng nên có phần phấp phỏng, vị này truy tiếp bây giờ có bao nhiêu tiền, tôi nói chỉ có 90 triệu đồng làm chương trình từ thiện. Ngay tức thì vị này yêu cầu chuyển số tiền này vào tài khoản do họ cung cấp (tài khoản một chi nhánh ngân hàng tại Bắc Ninh). Nghĩ mình chẳng làm việc gì phạm pháp nên tôi làm theo hướng dẫn của họ ra ngân hàng chuyển 90 triệu đồng...", chị K. cho hay.

Số tiền này được giao dịch thành công vào chi nhánh một ngân hàng tại Bắc Ninh, lúc 16 giờ 13 phút, chiều cùng ngày.

Gọi điện hàng giờ để gây sức ép và nhắn tin đe dọa từ các đối tượng mạo danh công an. Thông tin nhân vật cung cấp

Không chỉ gọi điện thoại hàng giờ để truy vấn, luận tội, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để được minh oan, vị này còn nhắn tin thúc chị K., chuyển tiền không được kéo dài thời gian chốt hồ sơ. Nếu không chuẩn bị 2 bộ áo quần, chiều hôm sau sẽ có người áp tải ra Đà Nẵng.

"Tôi quá tin tưởng chị và hiện tại chị trốn tránh trách nhiệm. Qua sự việc này tôi nghi ngờ rằng chính chị là tội phạm", vị này kết luận qua tin nhắn.

Chưa dừng lại ở đó, ngày hôm sau (3-10), cũng từ số máy 84(0)236113 tiếp tục gọi vào máy chị K., đầu dây cuộc gọi này là giọng nữ tiếp tục xưng là công an và hối thúc chị tiếp tục chuyển vào tài khoản hôm qua chị chuyển tiền, nếu chị K. trì hoãn thì sẽ cho công an tại TP.HCM áp tải chị ra Đà Nẵng. 

Cùng đó, nữ mạo danh cảnh sát tiếp tục nhắn tin yêu cầu chị K. ra ngân hàng chuyển tiền, viết tường trình và tiếp tục đe dọa "Tôi không làm việc với chị nữa, chị về nhà chuẩn bị tất cả các thủ tục. Tôi sẽ thông báo cấp trên ký lệnh. Tôi hết cơ hội cho chị rồi. Tôi nói chị biết khi tôi tạo điều kiện cho chị mà chị cố tình kéo dài thời gian chốt hồ sơ,..", vị này đe dọa. 

Sau khi chuyển tiền đợt 1 chị K. vẫn còn hoang mang vì sợ bị kẻ xấu thủ tiêu như lời họ đe dọa nên cũng chẳng dám thổ lộ với người thân trong gia đình. Đến ngày hôm sau chị K., mạnh dạn nói chuyện với bạn thân thì tá hỏa mình bị vố lừa mất gần 100 triệu đồng.

Chị K. cho hay quả lừa này chị vẫn còn khá hoang mang nên chưa thể tâm sự với người thân và đang đồng hành một chương trình từ thiện có quy mô cho những người khuyết tật nên chị chưa đến cơ quan điều tra công nghệ cao tại TP.HCM để trình báo vụ việc.

"Với những chứng cứ như ghi âm cuộc nói chuyện, tin nhắn, quyết định (giả mạo của cơ quan tố tụng) bắt tạm giam,...tôi sẽ tường trình vụ việc và cung cấp cho cơ quan điều tra sớm nhất", chị K khẳng định.

Liên quan đến các phương thức và thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại thời gian qua, trước đó đại diện Công an Đà Nẵng cho hay các thủ đoạn này không mới và được các cơ quan chức năng thông tin, cảnh báo nhiều lần. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mắc bẫy do nhẹ dạ cả tin và lo lắng, sợ hãi khi bị các đối tượng hù dọa có liên quan đến những hành vi phạm tội như rửa tiền, mua bán ma túy, che giấu tài sản do người khác phạm tội mà có,...

Nguồn tin từ cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao thông tin thêm các đối tượng lừa đảo này thường sử dụng công nghệ cao tạo các cuộc gọi y như số máy của cơ quan công an, dựng các cuộc nói chuyện có kịch bản sẵn, liên tục đe dọa, gây áp lực các nạn nhân nhẹ dạ, lo lắng phải nộp tiền vào tài khoản để mình được "minh oan' rốt cuộc tiền chuyển đi rồi bặt vô âm tín. 

  

Cách nay không lâu, cơ quan Công an tỉnh Bình Dương cảnh báo: Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cách thức gọi điện thoại giả danh cơ quan chức năng yêu cầu nộp tiền. Các đối tượng đã giả danh những cơ quan công quyền như công an, Viện kiểm sát... rồi cung cấp thông tin giả rằng các bị hại có liên quan đến các vụ án hình sự, từ đó buộc các bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “kiểm tra”, sau đó nhanh chóng chiếm đoạt.

Tội phạm dạng này hoạt động rất tinh vi, không để lại bất cứ thông tin gì và nhanh chân "biến mất" khi lấy được tiền, nhiều vụ bọn chúng chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Trung tá Hồ Hoàng Thanh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: “Qua tình hình trên lực lượng Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án nhanh chóng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra, đấu tranh làm rõ các đường dây nhóm đối tượng này. Tuy nhiên trong thời gian chúng tôi đang tiến hành điều tra, chưa bắt giữ được đối tượng thì để đề phòng chúng tôi khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi lạ yêu cầu chuyển số tiền lớn”.

Cơ quan công an khuyến cáo khi gặp phải các trường hợp có người gọi điện hoặc vô cớ nhận được lệnh tạm giam thì mọi người lưu ý phải cần hết sức bình tĩnh, cảnh giác, không làm theo những điều chúng dẫn dắt. Đồng thời, ngừng tiếp chuyện ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường và trình báo cụ thể tới cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết đang xác minh, làm rõ một vụ lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt số tiền lớn. Theo đó, nạn nhân bị lừa là bà NTLH (51 tuổi, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu).

Theo đơn tố cáo của bà H., giữa tháng 8 vừa qua, có một phụ nữ tự xưng tên là Thùy Linh, nhân viên bưu điện gọi vào số máy điện thoại bàn tại nơi làm việc của bà H. Người này mời bà H. đến bưu điện để nhận thẻ tín dụng do một ngân hàng tại Hà Nội phát hành và thẻ này đang có dư nợ gần 37 triệu đồng. Bà H. khẳng định không mở thẻ tín dụng, cũng không có giao dịch nào với ngân hàng nói trên.

Người tên Linh nối điện thoại cho bà H. trao đổi với một người đàn ông tự xưng là Hoàng, cán bộ công an, để điều tra vụ việc. Hoàng hẹn sẽ họp “ban chuyên án” và cử người làm việc với bà H. Hôm sau, Hoàng tiếp tục kết nối điện thoại để bà H. nói chuyện với một người tự xưng là “Trung úy Võ Thành Hưng”.

Với chiêu bài xác minh thông tin, nhóm này đã khiến bà H. tiết lộ về một số khoản tiền cá nhân đang gửi tại ngân hàng. Hưng dọa bà H. rằng số tiền này nghi vấn liên quan đến đường dây mua bán ma túy. Nhận thấy bà H. hoảng sợ, Hưng hứa giúp bà chứng minh không liên quan tội phạm.

Sau đó, Hưng tiếp tục giới thiệu bà H. nói chuyện với một người xưng là Dũng, tự nhận là viện phó VKSND TP Hà Nội. Dũng trao đổi và hướng dẫn bà H. mở một tài khoản mới tại ngân hàng với thông tin đăng ký số điện thoại quản lý tài khoản, địa chỉ email và tên truy cập đều do Dũng cung cấp.

Chưa đầy một tuần, bà H. đã bốn lần thế chấp các sổ tiết kiệm của mình để vay tổng cộng 3 tỉ đồng, chuyển hết vào tài khoản mới mở. Người tên Dũng hẹn xác minh và trả lại tiền bà H. nhưng sau đó cắt liên lạc.

Nghi ngờ mình bị lừa, bà H. ra ngân hàng kiểm tra thì tài khoản đã không còn đồng nào. Qua kiểm tra, nhân viên ngân hàng cho biết số tiền bà nộp vào tài khoản đã được chuyển đi qua dịch vụ ngân hàng điện tử...

Theo Đại tá Trần Văn Long, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng: "Dù báo chí đã phản ánh nhiều về việc lừa đảo qua điện thoại nhưng các nạn nhân vẫn sập bẫy do cả tin và lo lắng khi bị  hù dọa có liên quan đến hành vi phạm tội như rửa tiền, mua bán ma túy, che giấu tài sản do người khác phạm tội mà có... Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm