Hoa, nông sản tết: Kẻ cười, người khóc

Tết đã cận kề, những ngày này tại làng hoa kiểng nổi tiếng Chợ Lách (Bến Tre), nơi được mệnh danh là “vương quốc hoa kiểng, cây giống”, luôn tấp nập xe cộ của thương lái từ các nơi đến mua hoa chở đi tiêu thụ khắp cả nước.

Nhà vườn Chợ Lách trúng mùa hoa tết. Ảnh: ĐÔNG HÀ

70% hoa Chợ Lách đã được tiêu thụ

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết dịp tết Nguyên đán năm nay nông dân Chợ Lách sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Do lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường hoa tết nên trước đó ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo bà con tranh thủ bán hoa tại vườn.

“Đến nay nông dân Chợ Lách đã bán được trên 70% sản phẩm hoa kiểng các loại, 30% còn lại sẽ tập trung bán nội địa ở các chợ địa phương. Nhìn chung thị trường hoa tết năm nay của bà con bán khá ổn định như mọi năm, thương lái đặt hàng sớm, giá bán tốt. Thu nhập của người trồng hoa có khá lên” - ông Liêm cho hay

Cười vì trúng mùa, được giá

Tại làng hoa giấy thuộc xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre), nơi được xem là thủ phủ trồng hoa giấy nổi tiếng khắp cả nước, có hơn 100 hộ trồng loại hoa này.

Ông Phan Thế Dũng trồng 5.000 chậu hoa giấy phấn khởi nói: “Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa giấy trúng bông lại bán được giá từ 200.000 đến 500.000 đồng mỗi chậu. Lo ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi tranh thủ bán cho thương lái hết hàng trước ngày 20 tết âm lịch”.

Tương tự, anh Trịnh Thành Đạt cũng trúng vụ hoa giấy tết. Anh phấn khởi chia sẻ: “Mùa tết năm nay gia đình tôi trồng 2.000 chậu hoa giấy, giá bán trung bình 150.000 đồng/chậu, thu nhập hơn 300 triệu đồng. Hoa giấy bán hết sớm nên giờ gia đình tôi lo chuẩn bị đón tết”.

Ông Phạm Hoàng Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, xác nhận năm nay bà con trúng vụ hoa giấy tết. “Những năm trước, sản phẩm hoa giấy bán tại vườn chỉ đạt khoảng 50%, còn lại bà con đem ra chợ hoa khắp nơi để bán. Năm nay, tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đáng mừng là bà con bán tại vườn hết sớm 100% sản phẩm. Không chỉ vậy, giá bán hoa giấy vẫn duy trì như mọi năm” - ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, nghề trồng hoa giấy mùa tết năm nay đã đem lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Mỗi hộ thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng, cá biệt có hộ thu nhập lên đến 500 triệu đồng, thậm chí 1 tỉ đồng.

Không chỉ hoa giấy mà tại làng mai nổi tiếng ở xã Vĩnh Thành (Bến Tre) cũng có nhiều tin vui. Một số chủ vườn trồng mai kiểng nổi tiếng ở ấp Vĩnh Phú trúng lớn. “Dù bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, dự báo thị trường khó khăn nhưng giá bán mai tết tại vườn vẫn ổn định như mọi năm. Hiện cây mai nhỏ giá trung bình 300.000-400.000 đồng/cây, cây lớn hơn 3-4 triệu đồng/cây tùy loại” - ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ một vườn mai, cho hay.

Ông Mai Văn Đến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, thông tin thêm toàn xã có khoảng 1.000 hộ trồng kiểng mai vàng. Dịp tết năm nay, bà con sản xuất khoảng 800.000 sản phẩm. Đến thời điểm này số lượng mai vàng tiêu thụ hết tại vườn đạt hơn 70%. “Nhờ làm nghề trồng kiểng mai vàng nên nhiều hộ vươn lên khá giàu” - ông Đến đánh giá.

Ngoài ra nhiều hộ trồng kiểng tắc, cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, mào gà, vạn thọ, hoa treo các loại… ở Chợ Lách cũng sắp tiêu thụ hết. Nhiều nhà vườn nơi đây phấn khởi cho biết đang chuẩn bị đón một cái tết khá vui khi hoa kiểng trúng mùa, bán được giá tốt.

Khoai tây của nông dân Quảng Ninh được chuyển lên các xe tải trung chuyển để đưa về các địa chỉ tiêu thụ. Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh

Khóc vì ế ẩm, thương lái không mua

Ngày 3-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, cho hay dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển nông sản từ Hải Dương sang các tỉnh lân cận gặp nhiều khó khăn. “Đến nay tình trạng này vẫn chưa được tháo gỡ, còn khoảng 40% sản lượng nông sản chưa được tiêu thụ” - ông Quân nói.

Theo thống kê, diện tích rau màu vụ đông chưa kịp thu hoạch của tỉnh Hải Dương là 7.832 ha, chiếm 35% diện tích. Trong đó chủ yếu là hành, cà rốt, cải bắp, su hào, súp lơ… chưa kịp thu hoạch.

Khảo sát của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy sau khi bùng phát các ổ dịch COVID-19, giá nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương giảm khoảng 10%-20% so với trước khi bùng phát dịch. Dù giá giảm nhưng sức mua vẫn yếu.

Ngoài ra, dịch COVID-19 bùng phát cũng khiến người trồng đào ở Hải Dương trở tay không kịp. Sau khi nghe tin Hải Dương bị phong tỏa do dịch bệnh COVID-19, nhiều thương lái mua đào đã hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền cọc khiến người trồng đào gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, cho biết để tháo gỡ khó khăn cho bà con, tỉnh kêu gọi người dân tiêu thụ đào, nông sản tại chỗ. “Chúng tôi đang tích cực kêu gọi người dân sử dụng hàng hóa, sản phẩm tại chỗ, trong đó có cây đào. Cạnh đó tích cực kết nối các sản phẩm khác như gà, rau củ quả trong tỉnh đưa ra ngoài tỉnh phân phối” - ông Hải nói.

Còn tại Quảng Ninh, hiện diện tích rau màu còn lại chưa thu hoạch trên 2.000 ha, trong đó chủ yếu là khoai tây, bắp, rau các loại với sản lượng khoảng 30.000 tấn. Cạnh đó, toàn tỉnh cũng đang có khoảng 3.000 tấn ngao hai cùi, ngao hoa và hơn 4.500 tấn hàu Thái Bình Dương, 3.000 tấn hàu cửa sông; 180.000 quả trứng gà lông màu/ngày... đang khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, thông tin đã làm việc với các nhà phân phối, hỗ trợ tiêu thụ được 20 tấn khoai tây giúp bà con ở vùng dịch Đông Triều.

“Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp, kết nối tiêu thụ cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác của tỉnh đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19”- bà Hiền cho hay.

Tạo điều kiện cho xe chở hoa tết

Ông Nguyễn Duy, chủ vườn hoa lan ở TP Đà Lạt, cho hay hiện nay các đầu mối tiêu thụ hoa vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến các nhà vườn lo ngại đầu ra của hoa tết gặp khó khăn trong những ngày tới.

“Lo ngại nhất là dịch diễn biến phức tạp ở những địa phương vốn tiêu thụ nhiều hoa tết của Đà Lạt như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… Tâm lý của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, họ lo ngại dịch sẽ lan rộng dẫn đến sức mua giảm” - ông Duy bày tỏ.

Hiện Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã gửi văn bản tới Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… nhờ hỗ trợ, tạo điều kiện để các phương tiện chở hoa tươi của Đà Lạt vào khu vực nội đô trong dịp tết Tân Sửu 2021; tránh tình trạng xe chở hoa bị ùn tắc khiến chất lượng hoa giảm sút.

Anh Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh hoa tết trên đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM), cũng lo ngại dịch COVID-19 khiến thu nhập người dân giảm, chi tiêu bớt lại. Vì thế lượng hoa anh Minh lấy từ các mối về bán dịp tết này ít hơn mọi năm.

“Hàng từ các địa phương đưa về TP.HCM cũng ít hơn mọi năm vì nhà vườn, thương lái lo dịch bệnh. Mọi năm giờ này hai bên đường đã đông nghẹt khách, vậy mà năm nay chưa nhiều” - anh Minh nhận xét.  QUANG HUY

Không ngăn sông cấm chợ

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2-2 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh dứt khoát “không ngăn sông cấm chợ”.

Hàng hóa, nông sản, thực phẩm của bà con nhân dân Hải Dương được vận chuyển qua địa phận Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc tiêu thụ trong địa bàn tỉnh nhưng chúng ta phải phòng, chống dịch chứ không cấm xe qua.

“Chúng ta không chủ quan khinh suất nhưng không làm quá phức tạp tình hình vì vẫn phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống tốt hiệu quả nhưng vẫn phải thúc đẩy phát triển, khôi phục sản xuất, phát triển xã hội” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Hoa, nông sản tết: Kẻ cười, người khóc ảnh 3
Khách mua hoa tết tại đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM.
Ảnh: QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm