Hỗ trợ phát triển hài hòa kinh tế tư nhân

Đó là một trong những vấn đề chính được đặt ra tại hội thảo Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, Kinh tế Việt Nam 2010, triển vọng 2011 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hôm qua (21-9) tại TP.HCM.

Nhiều nghịch lý trong điều hành

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã chỉ ra các nghịch lý trong điều hành kinh tế năm 2010. Đó là việc phục hồi tăng trưởng nhanh, kiềm chế lạm phát tốt nhưng bất ổn kinh tế lại gia tăng, lòng tin thị trường giảm.

Ông Thiên lý giải nghịch lý này là do trong điều hành dài hạn không có tín hiệu rõ ràng về chuyển dịch cơ cấu căn bản (tái cơ cấu, chiến lược FDI, phát triển công nghiệp phụ trợ, quy hoạch phân cấp...). Trong ngắn hạn thì điều hành theo kiểu giật cục, thiếu phối hợp, không nhất quán. Cách tư duy tầm nhìn và ra quyết sách về những vấn đề quốc gia trọng đại, những dự án lớn ảnh hưởng đến chỉ số niềm tin bị sụt giảm.

Hỗ trợ phát triển hài hòa kinh tế tư nhân ảnh 1

Cần giảm đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước để giảm sức ép tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: THANH HẢI

PGS-TS Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, chỉ ra nghịch lý: CPI năm 2010 có thể thấp hơn 2009 nhưng vẫn cao hơn nhiều nước. Lãi suất tiết kiệm và cho vay cao hàng đầu thế giới (11%-14%), mặt bằng lãi suất ngoại tệ cao hơn (10-20 lần) so với thị trường quốc tế dẫn đến dòng vốn vay ủy thác đầu tư chảy vào Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận.

Lãi suất của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 5%-6% trong khi lãi suất vay 14%, dẫn đến nợ xấu và đẩy các ngân hàng trước nguy cơ rủi ro lớn. Sáu tháng đầu năm, dự trữ ngoại tệ chỉ còn đủ chín tháng nhập khẩu, dưới ngưỡng an toàn. Nếu việc mất cân đối này kéo dài, không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến những rủi ro về kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp nhà nước tồn tại để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Để giải quyết các nghịch lý trên, theo ông Lược, cần xây dựng hệ thống doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, minh bạch, không phân biệt đối xử, cạnh tranh bình đẳng. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ nên nắm giữ một số ngành kinh tế cơ bản, quan trọng mà khu vực tư nhân chưa thể phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, chủ yếu của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước tồn tại để hỗ trợ tư nhân chứ không phải triệt tiêu tư nhân, điều mà nhiều năm qua các doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được vai trò này.

Ngoài ra, một thể chế kinh tế và hành chính hiện đại, có hiệu lực cao, hệ thống tài chính tiền tệ hiện đại, minh bạch và hiệu quả; hệ thống an sinh xã hội đủ sức đảm bảo sự ổn định xã hội cũng sẽ giúp xử lý các nghịch lý này.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng giải pháp cho năm 2011 tránh việc tăng trưởng đi lên nhưng lòng tin giảm là Chính phủ tập trung giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo ngân sách, giải quyết chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; giảm mạnh đầu tư công phải xem như biện pháp hữu hiệu để chống lãng phí và thất thoát. Đồng thời phải tái cơ cấu các tập đoàn, xem xét lại chiến lược FDI. Đặc biệt phải khởi động và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân một cách nghiêm túc.

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, nguyên Phó Tổng Giám đốc Quỹ VinaCapital, cho rằng năm 2011 và tầm nhìn dài hạn, cần tập trung hỗ trợ, nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Điều này sẽ giải quyết được các vấn đề “nghịch lý” và bất ổn về kinh tế vĩ mô nói trên.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm