Heo rừng, gà… nuôi kiểu Mỹ ra chợ tết Việt

Dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức mua nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn tích cực chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng để phục vụ tết. Trong đó, nhiều đơn vị tập trung sản xuất, cung ứng những mặt hàng mới lạ và độc đáo ra thị trường. 

Rau hữu cơ ngày càng được nhiều khách hàng tìm mua 

Xu hướng mua thực phẩm sạch, hữu cơ lên ngôi
Tại phiên chợ sản phẩm hữu cơ diễn ra ở TP.HCM mới đây, gần 20 công ty đã giới thiệu hàng trăm mặt hàng hữu cơ như dưa lưới, rau củ, gạo, bí, hạt đậu… Đáng chú ý, mặt hàng thịt heo hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ cháy hàng, dù giá sản phẩm này đắt gấp hai, ba lần thịt heo thông thường. Đơn cử giá sườn non heo rừng hữu cơ 369.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 329.000 đồng/kg; thịt vai, thịt đùi 229.000 đồng/kg. 
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, đơn vị kinh doanh heo rừng hữu cơ, giải thích giá bán lẻ thịt heo rừng hữu cơ cao hơn mặt bằng chung của thịt heo nhà và heo rừng nuôi thông thường do chi phí sản xuất cao. Trong dịp tết tới đây, công ty sẽ tiếp tục tung ra mặt hàng thịt heo rừng hữu cơ với giá không tăng so với ngày thường. 
“Nhiều khách hàng mua thịt heo rừng hữu cơ về ăn thử, sau đó họ quay lại mua tiếp vì nhận thấy sự khác biệt với thịt heo bình thường và yên tâm chất lượng. Đây là tín hiệu tốt cho những người làm ra sản phẩm hữu cơ thật, làm đàng hoàng và khi sản phẩm có sự khác biệt thì giá cả không phải là rào cản quá lớn để khó tiếp cận khách hàng” - ông Viên tự tin nói.
Từ thành công bước đầu với thịt heo rừng hữu cơ, mùa tết năm nay Vinamit quyết định sẽ tung ra thị trường thịt gà, trứng gà, trứng vịt… hữu cơ để phục vụ người tiêu dùng
Bên cạnh đó, công ty này còn cho ra mắt các sản phẩm tốt cho sức khỏe như rau má tươi sấy, cần tây, củ dền, táo, chanh dây tươi sấy… khác biệt với dạng bột như khách hàng vẫn đang dùng. “Trong mùa dịch COVID-19, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe đều tăng trưởng khá tốt” - ông Viên thông tin.
Đại diện một số chủ trang trại cũng cho hay những năm gần đây, họ nỗ lực chuyển đổi, làm ra ngày một nhiều sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Họ tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khắt khe để làm ra sản phẩm sạch, an toàn, không có thuốc bảo vệ thực vật và không có dư lượng kim loại để người dùng yên tâm. 

Hàng ngàn mặt hàng phục vụ tết giảm giá 49% 

 Theo Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng tết năm nay với tổng giá trị tương đương hơn 19.000 tỉ đồng, tăng 3,43% so với nguồn vốn chuẩn bị tết 2020.


Trong tháng cận tết nhằm kích thích mua sắm, các hệ thống phân phối lớn dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá đến 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ tết. 

Ngoài ra, các hệ thống phân phối bán các giỏ quà tết với mức giá bình quân 125.000-299.000 đồng/giỏ; giỏ quà trung, cao cấp có giá từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng...
 

Làm mới sản phẩm cũ
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, dự báo mùa tết năm nay sức mua các mặt hàng liên quan thịt heo giảm 15%-20%. Tuy nhiên, lượng hàng chuẩn bị của công ty vẫn đảm bảo cung ứng cho thị trường với sản lượng thực phẩm tươi sống và chế biến 7.500 tấn, tăng 5% so với tết năm ngoái. 
Lãnh đạo Vissan cũng cho biết tết năm nay công ty đã làm mới lại các sản phẩm, như thịt heo tẩm ướp với 10 hương vị mới. Đặc biệt, các sản phẩm thịt tẩm ướp phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng khắp ba miền. 
“Với những sản phẩm trên, trong những ngày bận rộn mùa cuối năm, người tiêu dùng có thể chế biến mà không phải mất công sơ chế. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút sẽ có ngay bữa tiệc nướng quây quần cùng gia đình” - ông Dũng cho hay. 

Thịt heo rừng hữu cơ bán với giá từ 300.000 đến gần 370.000 đồng/kg: Ảnh: TÚ UYÊN

Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, nhận định năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công ty không tung ra nhiều mặt hàng tết như mọi năm mà chỉ tập trung cho những mặt hàng truyền thống như lẩu tết, bánh chưng… với trọng lượng lớn hơn. Đồng thời, tết năm nay công ty còn cung cấp hộp quà bánh chưng cho đối tác, khách hàng.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Bibica cho hay công ty làm mới dòng sản phẩm bánh Goody từ chất lượng đến thiết kế sang trọng và ấn tượng hơn. “Đây là sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập nhưng giá cả hợp lý” - đại diện Bibica tự tin. 
Bên cạnh đó, với mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, Bibica đưa ra thị trường tết năm nay bộ sản phẩm “Vị tết vào bếp”. Theo đó, sau khi sử dụng bánh kẹo, bao bì sẽ tiếp tục được sử dụng tại các nhà bếp của các bà nội trợ.
Nhiều đơn vị kinh doanh cũng cho hay đang tích cực chuẩn bị đặc sản vùng miền độc lạ để khách hàng mua làm quà tặng, biếu trong dịp tết. Các sản phẩm này chủ yếu là tôm khô, trâu gác bếp, măng ngâm mắc mật… Đặc biệt, bên cạnh các kênh truyền thống hay siêu thị, năm nay các nhà kinh doanh đẩy mạnh bán hàng đặc sản ba miền trên kênh thương mại điện tử, online.•

 Thay đổi đáng chú ý của người tiêu dùng

 Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, sau COVID-19, hành vi mua sắm của người tiêu dùng có một số điểm đáng chú ý. Đó là tiếp tục tăng cường nhu cầu cho các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Xu hướng tiêu dùng mùa tết cũng có sự thay đổi khi mua hàng online lên ngôi. Đặc biệt, người tiêu dùng có khuynh hướng cẩn trọng trong việc chi tiêu hơn, họ chủ yếu ưu tiên các mặt hàng cần thiết, tốt cho sức khỏe thay vì các hoạt động giải trí. Qua đó để dành tiền phòng cho trường hợp không mong muốn như dịch bùng lại hoặc suy thoái do ảnh hưởng kéo dài của COVID-19.

“Để thu hút người tiêu dùng trong mùa tết, các doanh nghiệp nên tối ưu hóa và triển khai các hoạt động khuyến mãi phù hợp để kích cầu chi tiêu. Thông điệp quảng cáo có thể nhắm đến các dịp tiêu dùng ăn uống tại nhà và nhấn mạnh các giá trị về sức khỏe” - ông Hoàng gợi ý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm