Hệ thống mới giúp chứng khoán hết nghẽn cổ chai

Sáng 5-7, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới thay thế hệ thống cũ liên tục gặp sự cố gây bức xúc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư suốt từ năm 2020 đến nay. Hệ thống mới kỳ vọng sẽ đem đến cho thị trường những tín hiệu tích cực trong thời gian tới.

Không còn lo chuyện nghẽn lệnh

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE, khẳng định hệ thống giao dịch mới có năng lực xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, trong khi hệ thống cũ chỉ đạt tối đa 900.000 lệnh. Đồng thời hệ thống mới loại bỏ cơ chế phân bổ lệnh, qua đó giúp các công ty chứng khoán có thể đẩy lệnh theo năng lực.

“Quy mô lượng lệnh giao dịch lớn hơn gấp 3-5 lần so với trước sẽ giúp thị trường chứng khoán vận hành tối ưu, gia tăng thanh khoản và hoàn toàn không còn chuyện nghẽn lệnh. Như trước đây chỉ cần lệnh vào hệ thống vượt quá công suất thiết kế 900.000 lệnh/phiên dẫn tới tình trạng nghẽn lệnh” - ông Trà nhận định.

Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT, đơn vị xây dựng hệ thống mới trên HOSE, thông tin thêm: Hệ thống giao dịch cũ của Thái Lan sử dụng đã hơn hai thập niên thực sự cũ. Hơn nữa với hệ thống cũ, HOSE không được bàn giao mã nguồn nên khi có vấn đề không thể can thiệp chỉnh sửa, không thể khắc phục được sự cố một cách triệt để. Nay với hệ thống mới sẽ khắc phục được những bất hợp lý trên.

“Điều quan trọng nhất là HOSE làm chủ hệ thống, giám sát, khắc phục sự cố và khi thị trường quá tải có thể chủ động nâng cấp ứng dụng nhằm đáp ứng được sự tăng trưởng của thị trường. Ngoài ra, hệ thống mới này cũng có số lượng lệnh gửi vào trên một giây từ các công ty chứng khoán cao hơn nhiều so với hệ thống cũ. Vì hệ thống cũ khi đạt ngưỡng 90%, kết quả khớp lệnh chậm dần” - ông Triều nói.

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), cũng kỳ vọng thị trường thay đổi trên cơ sở nền tảng công nghệ mới được thay đổi. Ông nói: “Vừa qua chúng ta thấy câu chuyện nghẽn lệnh trên hệ thống xảy ra. Đây là sự việc bất khả kháng trong khi lại có quá nhiều bất cập kéo dài. Khi đã được khắc phục bằng phần mềm dựa trên phiên bản của sàn Hà Nội phát triển lên cho phù hợp với tính năng của HOSE đã giúp tạo ra dung lượng khá lớn, gấp 4-5 lần so với trước đây. Từ đó sẽ xử lý bài toán nghẽn lệnh, tạo ra sự luân chuyển mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư được thuận tiện và đầy đủ các tính năng”.

Điều quan trọng hơn, ông Sơn kỳ vọng với nền tảng công nghệ mới có thể triển khai thêm nhiều sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán, như áp dụng cơ chế day trading (giao dịch trong ngày) hoặc bán chứng khoán chờ về tạo ra vòng quay nhanh hơn. Những điều này là nền tảng góp phần đưa thị trường vượt lên và cũng là cách giúp nâng hạng thị trường chứng khoán.

Trong phiên đầu tiên áp dụng hệ thống mới, thị trường giao dịch khá mượt mà, chỉ xảy ra vài lỗi nhỏ. Ảnh: PM

Thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc

Trong phiên đầu tiên áp dụng hệ thống mới, thị trường giao dịch khá mượt mà, chỉ xảy ra vài lỗi nhỏ. Như vậy lời hứa của các lãnh đạo chứng khoán đã được chứng thực.

Tuy vậy, phiên giao dịch sáng qua phủ sắc đỏ. Có những lúc chỉ số VN-Index mất mốc 1.400 điểm với hàng trăm mã giảm giá. Sang đến phiên chiều, màu sắc đỏ vẫn là chủ đạo trên sàn. Kết thúc phiên giao dịch chiều, chỉ số VN-Index đạt 1.411 điểm với giá trị giao dịch hơn 28.000 tỉ đồng.

“Dường như nhiều nhà đầu tư chờ hệ thống mới hoạt động tốt là lập tức lao vào thoát hàng, chốt lời hay cơ cấu lại danh mục đầu tư” - nhà đầu tư tên Đức nhận định. Song các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có những phiên giảm điểm để điều chỉnh chứ không phải do hệ thống mới đưa vào vận hành tạo ra yếu tố rủi ro. Thị trường vẫn còn nhiều nền tảng tốt để tiếp tục tăng trưởng.

“Tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức khá tốt, lạm phát không diễn biến đáng lo ngại, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, hệ thống giao dịch được cải thiện… thì thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tích cực” - Công ty chứng khoán KBSV đánh giá.

Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam Nguyễn Sơn cũng nhìn nhận thời điểm hiện nay chỉ số chứng khoán đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Bình quân thanh khoản đạt 1 tỉ USD mỗi phiên trong vòng sáu tháng đầu năm nay, cá biệt có phiên đạt 1,5 tỉ USD. Đây là những tín hiệu tốt.

“Tuy nhiên, đây là giai đoạn mà chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ sự chu chuyển các dòng tiền và cần cảnh báo để các nhà đầu tư cẩn trọng hơn. Vì suy cho cùng tăng trưởng thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu phải phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá trị căn bản, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp” - ông Sơn nói.

Bốn ông lớn có vốn hóa trên 10 tỉ USD

Hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Trong đó có 40.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện giá trị danh mục đầu tư nước ngoài là 49,5 tỉ USD.

Trong giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường với hơn 29.000 tỉ đồng tính từ đầu năm. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy mức độ bán ròng này không phải quá nhiều. Hơn nữa sau khi bán ròng, dòng tiền không rút ra khỏi Việt Nam mà để trên giá trị tài khoản về tiền mặt. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đang chờ cơ hội mới, lĩnh vực mới hoặc sản phẩm mới để đầu tư.

HOSE cũng cho hay giá trị vốn hóa niêm yết đến cuối tháng 6 vừa qua đạt hơn 5,28 triệu tỉ đồng, tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, có 28 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 1 tỉ USD. Trong đó có bốn công ty có vốn hóa trên 10 tỉ USD gồm Vingroup, Vietcombank, Vinhomes và Hòa Phát.

Kiểm soát để tránh xảy ra bong bóng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mức dư nợ tín dụng của ngân hàng vào chứng khoán trong sáu tháng đầu năm nay tăng khoảng 3% với tổng mức dư nợ cho vay chứng khoán đạt gần 47.000 tỉ đồng. Mức này nằm trong giới hạn kiểm soát cho vay chứng khoán đối với toàn bộ lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, dòng vốn margin (vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư) cũng đang trong quá trình kiểm soát, chưa phải là quá lớn. Do đó, thời điểm này không tạo ra bong bóng chứng khoán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm