Hãy trao quyền chủ động phòng chống dịch cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây, bốn hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài lớn tại Việt Nam (VN) đề xuất chiến lược “phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, bốn hiệp hội nhấn mạnh “chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại VN”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại VN, nói: “Khi dịch bệnh xảy ra, DN cũng lo lắng không kém bất kỳ chủ thể nào trong xã hội, thậm chí họ còn lo lắng hơn. Họ tìm hiểu cách thức phòng chống dịch kỹ hơn nhằm nỗ lực không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo vệ cho lực lượng sản xuất của mình”.

Bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại VN

Chưa có bộ tiêu chí thống nhất về sản xuất an toàn

. Phóng viên: Thưa bà, như bà nói thì các nhà đầu tư đã rất chủ động phòng chống dịch. Vậy lý do sâu xa là vì sao?

+ Bà Bùi Kim Thùy: Đơn giản là họ phải bảo vệ nguồn lực của mình. Nguồn lực của họ không chỉ là hữu hình như vốn, cơ sở vật chất, hạ tầng… mà còn là lực lượng sản xuất, gia đình của công nhân - những người mà nếu công nhân không có việc làm sẽ ngay lập tức rơi vào tình trạng thiếu thốn, đói khổ.

Quan trọng hơn, duy trì và phát triển được cơ sở hạ tầng sản xuất, nhân công thì nhà đầu tư còn đóng góp nhiều hơn cho Chính phủ và xã hội thông qua việc đóng thuế, cung cấp dịch vụ và sản phẩm. Nguồn lực của DN còn nằm ở uy tín của họ trong việc duy trì đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng với khách hàng quốc tế, thị trường quốc tế.

. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại những nơi tập trung nhiều công nhân sẽ phát sinh ổ dịch?

+ Tôi biết chắc rằng không có nhà đầu tư nào mong muốn công ty, nhà máy của mình trở thành ổ dịch. Họ đã cố gắng đáp ứng các phương thức mà Chính phủ trung ương, chính quyền địa phương đưa ra, khuyến cáo hoặc bắt buộc. Ví dụ áp dụng mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”, xét nghiệm, thậm chí là đóng cửa nhà máy thì các DN cũng tuân thủ.

Tuy nhiên, với các công ty đa quốc gia có hoạt động đầu tư kinh doanh tại nhiều thị trường khác nhau, họ so sánh vận dụng kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất từ các thị trường đó và chiết xuất được những giải pháp phù hợp cho VN. Theo đó, quy trình tạm dừng sản xuất - xử lý COVID-19 - tái sản xuất ở một số quốc gia tương đối rõ ràng với một khoảng thời gian cụ thể từng bước chỉ 1-10 ngày.

Trong khi tại VN, nhận xét chung của nhà đầu tư là chưa thể xác định được quy trình bao nhiêu ngày khiến DN không thể tái lập kế hoạch sản xuất cho các đơn hàng tiếp theo như thế nào, vào lúc nào. Nói cách khác, chưa có bộ tiêu chí thống nhất về hướng dẫn an toàn để tái khởi động sản xuất an toàn trong dịch COVID-19 tại VN.

Không nên đóng cửa mà là sống chung an toàn

. Cách nay mấy ngày, tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, có nhà đầu tư nước ngoài nói tiêu chuẩn chống dịch của họ là rất cao. Điều này phải hiểu thế nào, thưa bà?

+ Đúng vậy! Nhiều tập đoàn đa quốc gia là thành viên của chúng tôi cũng như một số DN khác đang hoạt động tại VN thậm chí còn cập nhật các biện pháp chống dịch với tiêu chuẩn cao hơn một số tiêu chuẩn mà Chính phủ trung ương, chính quyền địa phương đưa ra. Bởi mục đích phòng chống dịch đối với họ không phải là cách ly DN của mình với COVID-19, mà chính là để sản xuất an toàn trong môi trường có dịch, phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi xác định chung sống lâu dài với virus này.

Điều mong muốn của doanh nghiệp là sớm mở cửa trở lại để chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. Ảnh: TÚ UYÊN

. Nhưng thời gian gần đây, các nhà đầu tư và hiệp hội dồn dập kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề để tháo gỡ khó khăn. Vậy đâu là những khó khăn chủ yếu?

+ Khó khăn lớn nhất mà các DN đang đối mặt là sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Nguyên liệu từ nước ngoài nhập khẩu vào VN bị chậm, thành phẩm xuất khẩu từ VN chậm; thời gian thông quan chậm, thậm chí là không thể thông quan. Quá nhiều chốt kiểm tra trên đường từ nơi lưu trú tới công ty và nhà máy, từ nhà máy ra cảng và ngược lại.

Mặc dù Thủ tướng, phó thủ tướng và bộ trưởng Bộ GTVT đã nhiều lần nói và thể hiện bằng văn bản về việc không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ nhưng thực tế thì vẫn đứt gãy. Chỉ một ví dụ nhỏ là xe luồng xanh có mã QR được lưu thông không dừng, không chạm, từ điểm đầu tới điểm cuối của hành trình nhưng thực tế là bị dừng và xuất trình giấy tờ tại hàng chục chốt kiểm soát trên đường.

Không chỉ mỗi tỉnh mà mỗi huyện, xã đều có chốt kiểm soát. Vì thế việc tuân thủ đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là xe luồng xanh lưu thông không dừng đã không thể thực hiện được.

Vĩnh Phúc không đóng cửa doanh nghiệp nào

Chúng tôi có cơ hội làm việc với nhiều địa phương và cá nhân tôi đánh giá cao tỉnh Vĩnh Phúc thời gian vừa qua đã đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Họ không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đạt mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh này kể từ năm 2015 đến nay. Đặc biệt, không DN nào trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số DN thành viên của chúng tôi phải ngừng hoạt động.

 BÙI KIM THÙYđại diện cấp cao
Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại VN
 

Cần trao quyền cho doanh nghiệp

. Vậy cộng đồng nhà đầu tư đang mong muốn điều gì nhất?

+ Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc tinh thần tin tưởng và trao quyền chủ động phòng chống dịch cho DN như thể hiện tại Nghị quyết 105/2021 mới đây của Chính phủ phải được triển khai rộng rãi, được chính quyền địa phương tôn trọng. Chỉ khi đó DN mới có thể thực sự chung tay một cách thực chất cùng chính quyền chống dịch hiệu quả như kỳ vọng, mong muốn.

. Thật ra như bà biết, cũng có những lo lắng là nếu để DN chủ động, lỡ xảy ra ổ dịch thì phải giải quyết như thế nào?

+ Tôi cho rằng Chính phủ cứ mạnh dạn trao quyền chủ động cho DN. Tôi tin là những DN có trách nhiệm sẽ tuân thủ tốt để đưa nền kinh tế sớm khôi phục và tái mở cửa với thế giới. Có quy định và chế tài, thưởng phạt minh bạch, rõ ràng thì không có lý do gì chúng ta lại sợ mà không trao quyền chủ động cho DN.

. Vì sao bà tin rằng khi trao quyền cho DN chủ động phòng chống dịch COVID-19 thì kinh tế sẽ nhanh phục hồi?

+ Doanh nhân, DN, người lao động là nguồn lực quan trọng nhất tạo nên sự vững mạnh của trụ cột kinh tế trong hệ thống ba trụ cột cốt lõi trong bối cảnh COVID-19 là “y tế - kinh tế - truyền thông”. Tuy nhiên, số liệu khảo sát gần đây cho thấy có hơn 70% DN dừng hoạt động; 15% DN giải thể, phá sản; 15% còn sống sót và có thể phát triển... DN yếu thì lấy sức đâu để tạo ra trụ cột kinh tế vững vàng.

Vì thế hãy trao cho cộng đồng DN quyền chủ động trong phòng chống dịch đi kèm với các quy định và chế tài phù hợp. Một khi đã trao thì phải tin.

. Xin cám ơn bà.

Ủng hộ chung sống an toàn với dịch

. Thưa bà, trong văn bản gửi Chính phủ mới đây, các nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ chiến lược chung sống an toàn với dịch của VN. Tuy nhiên, họ cũng đề nghị cần một lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ?

+ Các DN là trụ cột của nền kinh tế mà nếu họ yếu quá, không còn sức thì cột cũng không thể vững được nữa. Vì vậy, các nhà đầu tư đã kiến nghị nhiều nội dung như tiêm vaccine cho người lao động, di chuyển an toàn...

Bởi chúng tôi cho rằng di chuyển bản thân nó không gây ra dịch bệnh, mà di chuyển không an toàn mới là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Từ đó, chúng tôi mong Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành các tiêu chí và hướng dẫn cụ thể về di chuyển an toàn để nền kinh tế sớm mở cửa trở lại.

. Những kiến nghị của DN, hiệp hội cũng đề cập đến tình trạng mỗi nơi một quy định, thiếu nhất quán gây khó khăn cho nhà đầu tư?

+ Khi chính quyền địa phương tuân thủ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng tức là chính quyền đang bảo vệ DN, người lao động, bảo vệ lực lượng sản xuất, lợi ích cốt lõi, lợi ích sống còn của nền kinh tế VN. Làm như vậy nền kinh tế mới sớm phục hồi và khỏe mạnh trở lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm